Nội dung toàn văn Chỉ thị 04/CT-UBND 2015 bảo vệ thủy sản ngăn chặn sử dụng chất nổ xung điện chất độc hại tại Quảng Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Quảng Ninh, ngày 12 tháng 02 năm 2015 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN, NGĂN CHẶN VIỆC SỬ DỤNG CHẤT NỔ, XUNG ĐIỆN, CHẤT ĐỘC HẠI VÀ CÁC NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN BỊ CẤM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới. Triển khai chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Trong thời gian qua, công tác quản lý, ngăn chặn hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại để khai thác thủy sản đã được tăng cường, việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, nghề cấm khai thác đã giảm đáng kể. Tuy nhiên tình hình vi phạm vẫn còn diễn ra tại vùng biển ven bờ, các đảo, đặc biệt khu vực Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Để tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ và phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn và tiến tới chấm dứt các nghề khai thác thủy sản bị cấm, đặc biệt là hoạt động khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện các nội dung sau:
1. Triển khai phổ biến Luật Thủy sản, các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đấu tranh ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm đúng pháp luật các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc, xung điện, các loại ngư lưới cụ bị cấm trong khai thác thủy sản và các nghề khai thác thủy sản bị cấm; tập trung tuyên truyền nội dung các văn bản sau:
- Quy định về nghề cấm, ngư cụ cấm khai thác theo Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 2393/2012/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc Quy định cấm các nghề sử dụng máy bơm nước tạo áp lực để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành về quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh;
- Quy định về vùng cấm khai thác và vùng khai thác có thời hạn theo Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm và Quyết định số 3047/QĐ-UBND ngày 27/9/2011 của UBND tỉnh về quy hoạch các khu bảo tồn, các vùng cấm khai thác thủy sản có thời hạn và phân vùng, phân tuyến khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nghị định số 33/2010/QĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
- Quy định về đối tượng cấm khai thác, kích cỡ được phép khai thác theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 82/2008/QĐ-BNNPTNT ngày 17/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư 01/2011/BNNPTNT ngày 05/1/2011 quy định sửa đổi một số nội dung tại Quyết định số 82/2008/BNNPTNT ngày 17/7/2008 và Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Quy định về quản lý các loài ngoại lai theo Thông tư số 53/2009/TT-BNN&PTNT ngày 21/8/2009 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quản lý các loài thủy sinh ngoại lai.
2. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc phân cấp quản lý tổng hợp vùng biển ven bờ của Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 ban hành quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; UBND các địa phương phải xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, phương tiện triển khai công tác bảo vệ nguồn lợi trên địa bàn.
3. Triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa tái tạo nguồn lợi thủy sản, tổ chức thả giống thủy sản ra vùng nước tự nhiên, huy động sự tham gia tái tạo nguồn lợi thủy sản của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh. Triển khai xây dựng và thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác các khu bảo tồn biển trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch của Chính phủ; giai đoạn 2015 - 2017 ưu tiên xây dựng khu bảo tồn biển Cô Tô, khu bảo tồn vùng nước nội địa cửa sông Tiên Yên. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 về quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
4. Các cơ quan chức năng (Sở Nông nghiệp và PTNT, BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát biển…) và UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ, các nghề bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh; Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; tập trung thanh tra, kiểm tra tại các vùng ven bờ, đặc biệt khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các vùng biển cấm khai thác có thời hạn.
5. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chủ động phối hợp với UBND các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật trong việc sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ, các nghề bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản, vùng cấm khai thác thủy sản trong ranh giới quản lý; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong các chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách, phương án chuyển đổi sinh kế cho ngư dân sản xuất trên Vịnh Hạ Long.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh, các cơ quan báo, đài địa phương có kế hoạch tăng thời lượng, mở chuyên mục riêng, tích cực xây dựng phóng sự, đưa tin, bài tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giới thiệu các mô hình điển hình trong sản xuất thủy sản có hiệu quả và thân thiện với môi trường, nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
7. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí kinh phí hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm sử dụng, các nghề khai thác thủy sản bị cấm; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; công tác đầu tư các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa theo phân cấp quản lý.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Ban, ngành và các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát ở địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện trong khai thác thủy sản và các nghề cấm khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư thuộc nhiệm vụ của địa phương.
9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, Hội nghề cá tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở thường xuyên phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
10. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và Hội nghề cá tỉnh đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi các cấp, các ngành triển khai thực hiện Chỉ thị, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, định kỳ (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời đề xuất các nội dung giải quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |