Chỉ thị 06/2006/CT-UBND tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp đã được thay thế bởi Quyết định 2783/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ văn bản pháp luật Bình Thuận và được áp dụng kể từ ngày 07/11/2013.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 06/2006/CT-UBND tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/CT-UBND | Phan Thiết, ngày 14 tháng 7 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
Sau khi Bộ luật Lao động (đã sửa đổi, bổ sung năm 2002) có hiệu lực thi hành; cùng với cả nước, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Bộ luật Lao động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động trong quản lý, sử dụng lao động, phân bổ tiền lương (tiền công) cho người lao động một cách hợp lý; tạo mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, phát huy được ưu thế của người lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của mình đối với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả ngày càng cao.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Bộ luật Lao động vẫn còn một số doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm như: chưa thực hiện giao kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội; thử việc không đúng quy định; sử dụng lao động là người nước ngoài nhưng không lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; chưa xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương; chưa thành lập tổ chức công đoàn; xử lý kỷ luật lao động còn tùy tiện, chưa đúng quy định; chế độ báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng lao động, tiền lương (tiền công) chưa được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Nguyên nhân của tình hình trên là do doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chính sách pháp luật lao động; công tác lao động, tiền lương ở doanh nghiệp chưa được coi trọng, nhân viên theo dõi công tác này thường xuyên biến động và chuyên môn nghiệp vụ còn yếu. Sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đồng bộ, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên nên hạn chế trong việc theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hoạt động của tổ chức công đoàn còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò đại diện cho người lao động. Bản thân người lao động chưa nắm rõ các quy định của Bộ luật Lao động, ý thức chấp hành nội quy lao động còn kém, chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời đẩy mạnh thực hiện pháp luật lao động ở các doanh nghiệp trong thời gian đến; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ lao động, tiền lương (tiền công) cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn thực hiện đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật lao động như:?ký kết hợp đồng lao động; xây dựng và đăng ký nội quy lao động xây dựng và ban hành thỏa ước lao động tập thể; xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương; xây dựng và ban hành quy chế trả lương, tiền thưởng, phụ cấp lương; cấp và thu hồi giấy phép lao động đối với lao động là người nước ngoài; hướng dẫn thực hiện các biện pháp về an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ tình hình sử dụng lao động, phân phối tiền lương (tiền công), thu nhập theo quy định hiện hành;
- Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trong tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác lao động, tiền lương (tiền công) của doanh nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường cán bộ theo dõi công tác lao động, tiền lương (tiền công) và công tác thanh tra nhằm bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác kiểm tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép đầu tư, có biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm; định kỳ hàng năm có kế hoạch tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
3. Sở Nội vụ tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều hành, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận, để đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư và quản lý lao động trong khu công nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung biên chế cán bộ quản lý lao động thuộc Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố để có đủ năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý lao động trên địa bàn.
4. Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chỉ đạo cơ quan tuyên truyền thông tin, phát thanh ở huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuyên truyền phổ biến các nội dung pháp luật lao động, các chính sách, chế độ mới của Nhà nước đảm bảo thông tin chính xác, đầy đủ, tránh việc đưa tin gây hiểu lầm, kích động đình công, bãi công.
5. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng trong ngành nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chủ động ngăn chặn, kiềm chế các hành động quá khích, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp kích động đình công và gây rối trật tự xã hội; ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu của kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng đình công, bãi công để tác động gây mất ổn định về an ninh chính trị. Phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, quản lý chặt chẽ đối với lao động là người nước ngoài.
6. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận tăng cường chỉ đạo, theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý và theo sự ủy quyền quản lý về lao động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định của pháp luật lao động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch, triển khai tập huấn các nội dung quy định của pháp luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp.
7. Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành quản lý thực hiện tốt các quy định của pháp luật lao động. Nắm tình hình hoạt động và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp pháp triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm mới, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động.
8. Đề nghị Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận, các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thành lập cơ sở đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên trong doanh nghiệp; có kế hoạch bồi dưỡng rèn luyện đoàn viên, thanh niên nhằm nâng cao vai trò của người đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với chính sách, pháp luật lao động.
9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật lao động trong doanh nghiệp; chỉ đạo việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở (ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn) theo quy định nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động và phối hợp với sở, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp.
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
- Tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; tăng cường cán bộ theo dõi công tác lao động, tiền lương của địa phương; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động để phát hiện và giải quyết kịp thời những phát sinh, mâu thuẫn trong quan hệ lao động ở trên địa bàn;
- Thành lập Tổ công tác liên ngành gồm Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Huyện Đoàn, Bảo hiểm xã hội, Công an, Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Thuế giúp Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phổ biến pháp luật lao động, hướng dẫn và kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung quy định của pháp luật lao động tại doanh nghiệp. Chỉ đạo giải quyết kịp thời những mâu thuẫn có thể dẫn đến đình công; đồng thời, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi và có biện pháp xử lý.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |