Quyết định 1166/QĐ-BNN-KHCN

Quyết định 1166/QĐ-BNN-KHCN năm 2014 về Kế hoạch hành động ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 1166/QĐ-BNN-KHCN 2014 Kế hoạch thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia


BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1166/QĐ-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TN và MT, Tài chính, KH và ĐT;
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1166 /QĐ-BNN-KHCN ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) và Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch hành động ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược với một số nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

Kế hoạch hành động ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Kế hoạch hành động) xác định nhóm các nhiệm vụ để triển khai các nội dung, biện pháp và giải pháp của Chiến lược để thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án và các chỉ tiêu giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện.

Bảng chỉ tiêu giám sát và đánh giá kết quả bảo vệ môi trường đến năm 2020

TT

Chỉ tiêu

Lộ trình thực hiện

2010

2015

2020

1

Giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường

 

 

 

1.1

Tỷ lệ xã đạt chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới

 

20%

50%

1.2

Tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom

40 - 55%

60%

75%

2

Khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện điều kiện sống của nhân dân

 

 

 

2.1

Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh

79%

85%

95%

2.2

Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt yêu cầu

52%

65%

95%

3

Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; kiềm chế tốc độ suy giảm đa dạng sinh học

 

 

 

3.1

Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng, thoái hóa, bạc màu, hoang mạc hóa

 

Giảm 20% so với 2010

Giảm 30% so với 2010

3.2

Diện tích đất trồng lúa, hoa màu

-

3,6 triệu ha

3,6 triệu ha

3.3

Nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ

 

Không giảm so với 2010

Không giảm so với 2010

3.4

Tỷ lệ che phủ của rừng

40%

42 - 43%

45%

3.5

Diện tích rừng nguyên sinh

0,57 triệu ha

Không giảm

Không giảm

3.6

Diện tích rừng ngập mặn

 

Không giảm so với 2010

Không giảm so với 2010

4

Tăng cường khả năng chủ động ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính

 

 

 

4.1

Tỷ lệ cộng đồng dân cư cấp làng, xóm, thôn được xây dựng năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai

 

Tăng 30% so với 2010

Tăng 90% so với 2010

II. NỘI DUNG

1. Phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường

- Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; hướng tới hạn chế và loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phát triển ngành nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường.

- Ban hành bộ tiêu chí môi trường trong các quy hoạch ngành nông nghiệp và PTNT để thực hiện lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững.

- Nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện phân vùng chức năng theo các hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng làm rõ các khu vực ưu tiên, cần được bảo vệ nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án nông nghiệp có sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện nghiêm công tác hậu kiểm; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng.

- Tiếp tục đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15/3/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân cho cây trồng để giảm lượng phân bón, giảm ô nhiễm nguồn nước do phân bón gây ra.

- Tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo yêu cầu cấp nước cho nông nghiệp, thủy sản, dân sinh nông thôn và các ngành kinh tế khác.

- Tăng cường kiểm soát sinh vật lạ, sinh vật ngoại lai và sinh vật biến đổi gen theo quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại; hoạt động nhập khẩu giống, nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nông nghiệp, quản lý xuất nhập khẩu và lực lượng cảnh sát môi trường trong kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu giống, nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp.

- Xây dựng và triển khai Đề án tăng cường năng lực chủ động phòng chống thiên tai đến năm 2020, đặc biệt là sự cố thiên tai bão lũ, sạt lở đất, động đất và nước biển dâng.

- Thực hiện nghiêm chế độ đăng ký hoạt động hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là hóa chất độc hại; thực hiện Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy làm bao bì đựng các sản phẩm nông nghiệp; thực hiện việc dán nhãn sinh thái cho sản phẩm nông nghiệp.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020 gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 09/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm nông nghiệp thải bỏ; xây dựng khung pháp lý về tái chế, tái sử dụng chất thải nông nghiệp, thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

2. Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm

- Tham gia, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ sở thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, đưa công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường vào làng nghề; phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi; lập danh mục, đề xuất biện pháp quản lý các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận trên phạm vi cả nước; rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí về bảo vệ môi trường khi xem xét công nhận làng nghề.

- Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng và triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường khu vực nông thôn đến năm 2020, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh theo đúng yêu cầu quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, từng bước giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp.

3. Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm

- Tham gia triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày (02/9/2012.

- Tham gia xây dựng và triển khai Đề án cải tạo, phục hồi môi trường các ao, hồ, kênh, mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tham gia thực hiện các dự án đầu tư về cải tạo, phục hồi môi trường hồ, ao, kênh.

- Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Mê Kông; triển khai Đề án bảo vệ môi trường các lưu vực sông (sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tham gia triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, nhiễm độc đioxin.

- Xây dựng và ban hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực nông nghiệp; cải tạo ô nhiễm môi trường nông nghiệp.

4. Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường

- Hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện đầu tư về nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình cung cấp nước sạch khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

- Phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn xây dựng và triển khai các dự án đầu tư thu gom, xử lý rác thải, hệ thống tiêu thoát nước, nghĩa trang, ao hồ sinh thái khu vực nông thôn.

- Tham gia xây dựng hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia; tăng cường năng lực hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn; cảnh báo dịch bệnh trong các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp.

- Đầu tư, xây dựng các công trình cảnh báo an toàn hồ đập thủy lợi, sự cố thiên tai bão lũ, sạt lở đất với độ chính xác cao bằng công nghệ hiện đại. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các khu vực nuôi trồng thủy sản.

5. Thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên

- Triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn kết hợp với thực hiện biện pháp ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép.

- Xây dựng và triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, xâm phạm hoặc làm giảm chất lượng, làm nghèo rừng nguyên sinh; thực hiện các biện pháp cải thiện khả năng chống chịu của các khu rừng tự nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu.

- Hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định 99/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ ban hành Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn về cơ chế quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; Trình tự nghiệm thu thanh toán chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thông tư số 30/2013/TT-BNNPTNT ngày 08/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Thông tư số 47/2013/TT-BNNPTNT ngày 08/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Triển khai thực hiện “Đề án Trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác” đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 829/QĐ-BNN-TCLN ngày 23/4/2014.

- Sử dụng tài nguyên nước hợp lý, tiết kiệm trong các quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có” ban hành theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Nghiên cứu, áp dụng thí điểm và từng bước nhân rộng cơ chế đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, áp dụng chứng chỉ sinh thái, tiếp cận các cơ chế thị trường khác trong khai thác nguồn lợi thủy sản.

6. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giao cho Bộ trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013.

- Tham gia triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

- Tổ chức đánh giá thực trạng và lập kế hoạch bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong khu bảo tồn, vườn quốc gia do Bộ quản lý;

- Triển khai thực hiện Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại đến năm 2020, trong đó chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ quan chuyên môn về đa dạng sinh học, kiểm dịch, đặc biệt ở cấp tỉnh.

7. Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính

- Đẩy mạnh các hoạt động trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến 2050 và Đề án giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp Việt Nam đến năm 2020 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH đoạn 2012 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05/10/2012;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, doanh nghiệp đưa ra kế hoạch và lộ trình giảm dần việc sử dụng các loại môi chất lạnh phá hủy tầng ozôn trong hệ thống máy lạnh chế biến thủy sản và nông sản mà Việt Nam đã ký thực hiện Nghị định thư Montreal.

- Triển khai thực hiện Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07/02/2014.

- Triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng” giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 799/QĐ- TTg ngày 27/6/2012; Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012.

- Tổ chức triển khai các mô hình ứng phó với BĐKH thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình tốt về ứng phó với BĐKH; xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, cán bộ lập kế hoạch, cán bộ chuyên trách của ngành nông nghiệp về BĐKH, tác động của BĐKH.

- Xây dựng được hệ thống chính sách, lồng ghép nội dung chương trình ứng phó với BĐKH với các chương trình của ngành và các nhiệm vụ cụ thể; tăng cường, hoàn thiện hệ thống tổ chức, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan và nguồn vốn, cơ chế quản lý các nhiệm vụ của chương trình hành động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH của ngành.

- Nghiên cứu đánh giá tác động, xác định các giải pháp ứng phó, xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo 7 vùng sinh thái.

- Xây dựng, tổ chức các chương trình nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp, dễ bị tổn thương trước các tác động của BĐKH.

- Đánh giá kết quả công tác xây dựng năng lực ứng phó BĐKH, thiên tai và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, thiên tai tại cộng đồng dân cư cấp làng, xóm, thôn.

- Rà soát, bổ sung các quy định, hướng dẫn về kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án về cơ chế phát triển sạch trong nông nghiệp.

8. Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức ngành nông nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; tổng kết, nhân rộng các mô hình tự quản, tăng cường vai trò của cộng đồng dân cư cấp làng, xóm, thôn trong việc giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

- Xem xét đưa các tiêu chí bảo vệ môi trường trong công tác xét thi đua khen thưởng cá nhân và tổ chức của Bộ.

9. Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn

- Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn quản lý môi trường trong nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan trực thuộc Bộ.

- Xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường khi xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi... để tạo nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường nông nghiệp.

- Phối hợp chặt chẽ với thanh tra môi trường, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin môi trường phục vụ phát triển của ngành và công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường nông nghiệp, nông thôn.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

10. Nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn

- Tham gia xây dựng và thực hiện Chương tình Khoa học và Công nghệ trọng điểm quốc gia về bảo vệ môi trường giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về môi trường và biến đổi khí hậu nhằm cung cấp các cơ sở lý luận, khoa học để phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và giải pháp quản lý nhà nước về môi trường của ngành nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ mới xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh phát triển, chuyển giao công nghệ, thiết bị mới trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi; thực hiện các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng, đặc biệt đối với vùng khô hạn, thiếu nước.

11. Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất tăng phân bổ ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường của ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường của ngành.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, vận động các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề môi trường trong nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả tác động xấu của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu không nung, vật liệu thân thiện với môi trường, các thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, ít phát tán độc hại ra môi trường.

12. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

- Tham gia thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) liên quan đến dịch vụ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tốt các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết; lồng ghép các cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường của ngành nông nghiệp, nông thôn trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương.

- Vận động sự hỗ trợ vốn cho công tác bảo vệ môi trường của ngành nông nghiệp, nông thôn (vốn ODA) từ các tổ chức quốc tế.

III. CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Cơ chế, chính sách

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường của ngành nông nghiệp, nông thôn;

b) Triển khai các cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực từ trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề môi trường trong nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển bền vững;

c) Khuyến khích việc phát triển các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường; chú trọng phối hợp liên ngành và đề cao vai trò cơ sở, sự tham gia của người dân,

2. Tổ chức

a) Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và PTNT về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương;

b) Phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị liên quan thuộc Bộ trong quản lý công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

3. Tài chính

a) Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động;

b) Chủ động tìm kiếm, thu hút, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.

4. Các giải pháp khác

a) Đào tạo nhân lực, đội ngũ chuyên gia, đặc biệt các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao trong cho công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn;

b) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về môi trường;

c) Tăng cường phối hợp với các Bộ, Ngành, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Hội nghề nghiệp và địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

d) Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ về mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ, kết quả của Kế hoạch hành động.

IV. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ

1. Việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Nội dung giám sát, đánh giá dựa trên các căn cứ sau:

a) Kết quả thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ được giao thực hiện tại Kế hoạch hành động này và các Quyết định số 2012/QĐ-BNN-KHCN ngày 03/9/2013; Quyết định số 292/QĐ-BNN-KHCN ngày 20/02/2013; Quyết định số 221/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT;

b) Tiến độ xây dựng và triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ;

c) Kết quả triển khai các nội dung của Kế hoạch hành động.

3. Cơ chế giám sát, đánh giá:

a) Việc giám sát, đánh giá được tiến hành định kỳ hàng năm, lồng ghép với quá trình tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị;

b) Kết quả giám sát, đánh giá được công bố công khai; được sử dụng làm tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng của các cá nhân và tổ chức.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch hành động này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện.

2. Định kỳ hàng năm các đơn vị tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) trong đó nêu rõ: Việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Kế hoạch hành động, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo Bộ trưởng để xem xét, quyết định./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1166/QĐ-BNN-KHCN

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1166/QĐ-BNN-KHCN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/05/2014
Ngày hiệu lực28/05/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1166/QĐ-BNN-KHCN

Lược đồ Quyết định 1166/QĐ-BNN-KHCN 2014 Kế hoạch thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1166/QĐ-BNN-KHCN 2014 Kế hoạch thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1166/QĐ-BNN-KHCN
                Cơ quan ban hànhBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
                Người kýCao Đức Phát
                Ngày ban hành28/05/2014
                Ngày hiệu lực28/05/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Tài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật10 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 1166/QĐ-BNN-KHCN 2014 Kế hoạch thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 1166/QĐ-BNN-KHCN 2014 Kế hoạch thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia

                      • 28/05/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 28/05/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực