Quyết định 13/2010/QĐ-UBND

Quyết định 13/2010/QĐ-UBND về ban hành Đề án thu hút bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học chính quy) về tỉnh công tác do UBND tỉnh Hưng Yên ban hành

Quyết định 13/2010/QĐ-UBND đề án thu hút bác sỹ dược sỹ về làm việc tại tỉnh đã được thay thế bởi Quyết định 339/QĐ-CTUBND 2015 Danh mục văn bản pháp luật hết hiệu lực Hưng Yên và được áp dụng kể từ ngày 28/01/2015.

Nội dung toàn văn Quyết định 13/2010/QĐ-UBND đề án thu hút bác sỹ dược sỹ về làm việc tại tỉnh


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2010/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 10 tháng 5 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "ĐỀ ÁN THU HÚT BÁC SỸ, DƯỢC SỸ (TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CHÍNH QUY) VỀ TỈNH CÔNG TÁC"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

Căn cứ Thông báo số 836-TB/TU ngày 18/3/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án thu hút bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học) và sinh viên tốt nghiệp đại học hạng giỏi hệ chính quy các trường công lập về tỉnh công tác;

Căn cứ Nghị quyết số 38/2010/NQ-HĐND ngày 24/3/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XIV - kỳ họp thứ 15 (chuyên đề);

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 202/TTr-SNV ngày 16/4/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Đề án thu hút bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học chính quy) về tỉnh công tác".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Kho bạc nhà nước tỉnh; thủ trưởng các cơ quan có liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cường

 

ĐỀ ÁN

THU HÚT BÁC SỸ, DƯỢC SỸ (TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC CHÍNH QUY) VỀ TỈNH CÔNG TÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 10/5/2010 của UBND tỉnh Hưng Yên)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

2. Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

3. Thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 836-TB/TU ngày 18/3/2010 về Đề án thu hút bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học) và sinh viên tốt nghiệp đại học hạng giỏi hệ chính quy các trường công lập về tỉnh công tác;

4. Nghị quyết số 38/2010/NQ-HĐND ngày 24/3/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XIV - kỳ họp thứ 15 (chuyên đề).

II. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT THU HÚT BÁC SỸ, DƯỢC SỸ VÀO LÀM VIỆC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP Y TẾ CỦA TỈNH

1. Thực trạng:

Sau hơn 12 năm tái lập tỉnh, so với năm 1997, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tăng trong tất cả các khối, các lĩnh vực, kể cả số lượng và chất lượng. Do được quan tâm đào tạo và thu hút, nên số có trình độ đại học, trên đại học chiếm tỷ lệ cao, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy vậy, trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, số cán bộ, công chức, viên chức có năng lực thực tiễn và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực còn rất thiếu. Riêng đội ngũ viên chức ngành y tế hiện đang rất thiếu bác sỹ, dược sỹ ở tất cả các tuyến, nhất là đội ngũ bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa đầu ngành. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế cũng như sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung.

Theo Quyết định số 2576/QĐ-UBND ngày 15/12/2006 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc ban hành Chương trình hành động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2006 - 2010 các chỉ tiêu chính về nhân lực cần đạt là: tỉ lệ bác sỹ/vạn dân là 5,5 (cần 660 bác sỹ) hiện thiếu 111 người; tỷ lệ dược sỹ/vạn dân là 0,70 (cần 84 dược sỹ) hiện thiếu 70 người. Nếu tính nhu cầu giường bệnh theo Thông tư số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước quy định tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ/tổng số viên chức của đơn vị trong khối điều trị là 30 - 35%; khối dự phòng tuyến tỉnh là trên 30% trở lên, tuyến huyện là trên 20% trở lên thì hiện thiếu 301 bác sỹ và 45 dược sỹ. Nhiều năm qua, ngành y tế không tuyển đủ chỉ tiêu bác sỹ, dược sỹ đã được UBND tỉnh phê chuẩn kế hoạch tuyển dụng, đặc biệt là dược sỹ, trong 5 năm (từ năm 2004 đến năm 2009) chỉ tuyển được 5 người. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

2. Sự cần thiết tăng cường chất lượng:

2.1. Bối cảnh chung:

Trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trước áp lực của thị trường lao động hiện nay, đòi hỏi cần phải có một đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và năng lực điều hành giỏi theo hướng trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phù hợp với tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

2.2. Về việc thực hiện các chế đội ưu đãi đã ban hành:

a) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 26/3/2002 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2002/QĐ-UBND về chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức được cử đi học và khuyến khích ưu đãi tài năng. Qua quá trình triển khai thực hiện quyết định, do nhiều nguyên nhân, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ngày 27/12/2007 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND về quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích ưu đãi tài năng, thay thế Quyết định số 18/2002/QĐ-UBND ngày 26/3/2002 của UBND tỉnh. Nhưng, tại Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND không có quy định cụ thể cũng như chính sách đối với bác sỹ, dược sỹ, nên chưa thu hút được nguồn nhân lực mà tỉnh đang có nhu cầu tiếp nhận.

b) Nguyên nhân:

Do chính sách thu hút của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn, trong khi đó đa số bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học hệ chính quy) đã được các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở y tế tư nhân đóng trên địa bàn Hà Nội mời tiếp nhận với mức lương hấp dẫn và điều kiện làm việc tốt, nên không muốn về tỉnh công tác. Nhiều người đã được nhận sự ưu đãi ngay từ khi còn đang học đại học; khi tuyển dụng thì thủ tục hành chính rất đơn giản.

Từ thực trạng và những bất cập chủ yếu nêu trên, việc xây dựng và ban hành chính sách "Thu hút bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học chính quy) về tỉnh công tác" là rất cần thiết, nhằm thu hút nguồn nhân lực mà tỉnh đang có nhu cầu tiếp nhận; đáp ứng yêu cầu về số lượng, tăng cường chất lượng cho đội ngũ cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của tỉnh; khắc phục sự hẫng hụt đội ngũ bác sỹ, dược sỹ trước đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

III. MỤC TIÊU TUYỂN DỤNG

- Hàng năm thu hút bác sỹ, dược sỹ là người Hưng Yên và tỉnh ngoài về tỉnh công tác.

- Phấn đấu đến hết năm 2012 thu hút được khoảng 150 bác sỹ, dược sỹ vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế của tỉnh (bình quân mỗi năm thu hút được 50 người).

IV. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH THU HÚT

1. Đối tượng, phạm vi thu hút:

Bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học hệ chính quy) không yêu cầu hạng xếp loại tốt nghiệp tự nguyện về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế của tỉnh.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng:

2.1. Người dự tuyển viên chức phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch viên chức dự tuyển, thuộc đối tượng và phạm vi thu hút quy định tại khoản 1 mục IV này, có đủ hồ sơ tuyển dụng theo quy định và có đủ các điều kiện sau đây:

- Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khoẻ để đảm nhận nhiệm vụ; tuổi đời không quá 40 tuổi;

- Có lý lịch rõ ràng, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục;

- Có đơn cam kết tự nguyện vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế của tỉnh ít nhất 10 năm; chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền của tỉnh và của đơn vị quản lý trực tiếp.

3. Thẩm quyền, quy trình tuyển dụng:

Thẩm quyền, quy trình tuyển dụng đối tượng thu hút của Đề án vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế của Đảng do Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn thực hiện.

Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế của Nhà nước của tỉnh thực hiện như sau:

3.1. Thẩm quyền tuyển dụng:

Sở Nội vụ được giao trách nhiệm giúp UBND tỉnh tiếp nhận đối tượng thu hút của Đề án đến liên hệ công tác. Sau khi thẩm định, nếu bác sỹ, dược sỹ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng thì hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết để đề nghị UBND tỉnh quyết định tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế của tỉnh theo chỉ tiêu biên chế, cơ cấu viên chức của các đơn vị được UBND tỉnh giao hàng năm.

3.2. Quy trình tuyển dụng:

a) Trách nhiệm của Sở Nội vụ:

- Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện quy trình tuyển dụng; hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh quyết định tuyển dụng;

- Chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ của đối tượng thu hút, Sở Nội vụ phải có văn bản báo cáo UBND tỉnh (kèm theo danh sách trích ngang và hồ sơ theo quy định) để UBND tỉnh xem xét, quyết định tuyển dụng viên chức.

b) Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc UBND tỉnh, sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố:

- Chậm nhất sau 07 ngày, kể từ ngày nhận quyết định tuyển dụng, thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp viên chức được tuyển dụng phải thực hiện việc phân công nhiệm vụ, quản lý điều hành, trả lương và cử người hướng dẫn thử việc trong 12 tháng; có văn bản gửi sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố chủ quản tổng hợp, gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định bổ sung kinh phí thực hiện chế độ chính sách thu hút;

- Hết thời gian thử việc, thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp viên chức được tuyển dụng xem xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, việc chấp hành nội quy, quy chế… Việc đánh giá phải đảm bảo công khai, khách quan, chính xác; nếu viên chức được tuyển dụng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức và thực hiện việc xếp lương, nâng bậc lương và thực hiện các chế độ, chính sách khác theo quy định.

3.3. Cách xác định trúng tuyển:

Người trúng tuyển là người đạt yêu cầu theo quy định về đối tượng, phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng của Đề án và được cấp có thẩm quyền quyết định tuyển dụng.

3.4. Hồ sơ dự tuyển bao gồm:

- Đơn đăng ký dự tuyển viên chức (theo mẫu quy định);

- Bản khai sơ yếu lý lịch có dán ảnh, dấu giáp lai (theo mẫu quy định), có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú;

- Bản sao giấy khai sinh (bản sao theo quy định của cơ quan tư pháp hoặc bản sao của bản chính có công chứng);

- Bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ và bảng kết quả học tập, phù hợp với yêu cầu của ngạch dự tuyển (văn bằng tốt nghiệp chuyên môn nghiệp vụ, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học,…);

- Bản chính các văn bằng, chứng chỉ và bảng kết quả học tập (xuất trình để kiểm tra khi nộp hồ sơ dự tuyển);

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp quận, huyện trở lên cấp. Giấy chứng nhận sức khỏe có giá trị trong 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

- 02 phong bì ghi rõ họ, tên, địa chỉ nơi nhận của người dự tuyển; 02 ảnh cỡ 4x6 (có ghi họ, tên, ngày, tháng, năm sinh ở mặt sau).

4. Chế độ, chính sách đối với người được tuyển dụng:

4.1. Được tuyển dụng không qua xét tuyển viên chức.

4.2. Được hưởng các khoản trợ cấp, hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh ngoài chế độ tiền lương và các chế độ khác được hưởng theo quy định của Nhà nước đối với viên chức, cụ thể như sau:

- Trợ cấp thu hút 1 lần: 25 triệu đồng/người;

- Trợ cấp 15% cho đủ 100% mức lương bậc 1, hệ số lương 2,34 trong 12 tháng tập sự hoặc thử việc.

4.3. Được ưu tiên trong quy hoạch, bố trí sử dụng và được tạo điều kiện thuận lợi (kinh phí, thời gian,…) để công tác, nghiên cứu, học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Thời gian thực hiện:

5.1. Giai đoạn 1: Thực hiện từ năm 2010 đến hết năm 2012.

5.2. Giai đoạn 2: Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 1, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh để quyết định điều chỉnh (nếu có), hoặc tiếp tục thực hiện, hoặc chấm dứt thực hiện Đề án.

6. Kinh phí thức hiện:

6.1. Kinh phí chi trả tiền lương và các khoản đóng góp theo quy định của Nhà nước (bao gồm các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) nằm trong kinh phí khoán biên chế, tiền lương hàng năm của đơn vị. Kinh phí thực hiện chính sách thu hút chi trả cho 1 bác sỹ, dược sỹ 1 năm là 27.737.800đ gồm:

- Trợ cấp 1 lần: 25.000.000đ/người;

- Trợ cấp 15% tiền lương bậc 1 hệ số lương 2,34 trong 12 tháng: 650.000đ x 2,34 x 15% x 12 tháng = 2.737.800đ

Dự kiến mỗi năm tuyển được 50 người thì tổng kinh phí chi trả các khoản trợ cấp thu hút 1 năm là 1.386.890.000đ.

6.2. Tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm thu hút từ 150 người là 4.160.670.000đ.

Ngoài số kinh phí nói trên, hàng năm ngân sách tỉnh bố trí kinh phí tăng thêm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng số viên chức thu hút làm việc tại đơn vị sự nghiệp y tế của tỉnh.

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để Đề án "Thu hút bác sỹ, dược sỹ (tốt nghiệp đại học hệ chính quy) về tỉnh công tác" được thực hiện có hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền:

Tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách của tỉnh được thể hiện trong Đề án. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền; tham mưu, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, tỉnh bạn; tăng cường thông tin tuyên truyền hình ảnh Hưng Yên, tạo sức hấp dẫn và niềm tin trong mục tiêu thu hút.

2. Có chính sách quan tâm trong sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường quản lý đối với đối tượng thu hút của Đề án đang công tác tại tỉnh:

2.1. Hàng năm, căn cứ chủ trương chung của tỉnh, các đơn vị cần có kế hoạch và tạo mọi điều kiện cho đối tượng thu hút được đào tạo, tự đào tạo theo các chương trình chuyên môn, nghiệp vụ, nâng chuẩn trình độ đào tạo,… và hưởng chế độ ưu đãi của tỉnh.

2.2. Quan tâm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng, tạo điều kiện cho các đối tượng phấn đấu trở thành các bác sỹ, dược sỹ có chuyên môn sâu, kỹ năng thực hành vững vàng.

2.3. Tăng cường công tác quản lý của các cấp, các ngành, cá nhân theo mục tiêu của Đề án:

- Đối với người được tuyển dụng: có trách nhiệm chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền và thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp; tự giác tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống, phấn đấu nâng cao năng lực thực tiễn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt mọi nội dung đã cam kết với tỉnh; tự giác bồi hoàn các khoản trợ cấp, hỗ trợ nếu vi phạm cam kết.

- Người được tuyển dụng công tác tại các đơn vị thuộc tỉnh quản lý chưa đủ 10 năm thì chưa được chuyển ra ngoài tỉnh công tác. Trường hợp tự ý bỏ việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, bị xử lý kỷ luật thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được hưởng, kể cả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng (nếu có).

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng viên chức thuộc đối tượng thu hút, phải tăng cường trách nhiệm trong sử dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đối tượng thu hút. Hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc trách nhiệm lãnh đạo, quản lý viên chức thuộc đối tượng thu hút của Đề án. Nếu tự ý cho phép các đối tượng này chuyển ra ngoài tỉnh công tác khi chưa thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết, thì phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ các khoản kinh phí mà viên chức đó đã được hưởng.

- Sở Nội vụ tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của viên chức được tuyển dụng theo chính sách thu hút tại cơ sở để có căn cứ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ hợp lý và hiệu quả hơn; thường xuyên kiểm tra giám sát các cơ quan, đơn vị trong việc quan tâm bố trí, sử dụng, đánh giá viên chức được tuyển dụng theo chính sách thu hút; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết vướng mắc và xử lý các vi phạm của cá nhân, cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án; tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện các nội dung của Đề án theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện Đề án; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham mưu với tỉnh trong việc tăng cường xã hội hóa các hoạt động y tế và các chế độ chính sách của tỉnh trong đảm bảo, nâng cao các điều kiện vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trình độ cao nói riêng.

3. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện nghiêm quyết định tuyển dụng viên chức của UBND tỉnh; bố trí công việc cho viên chức làm việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo; tạo mọi điều kiện thuận lợi để viên chức được học tập, nghiên cứu, công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; ưu tiên trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để họ được yên tâm, phấn khởi tận tụy công tác lâu dài tại tỉnh.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và của Trung ương, tỉnh bạn thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án này; thường xuyên có tin, bài phản ánh tình hình thực hiện chính sách thu hút của tỉnh.

5. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu, giúp Tỉnh ủy hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong đơn vị sự nghiệp y tế của Đảng, đoàn thể thuộc tỉnh; hàng năm tổng hợp và gửi kết quả về Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ảnh về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh Đề án cho phù hợp./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 13/2010/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu13/2010/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành10/05/2010
Ngày hiệu lực20/05/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 01/01/2015
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 13/2010/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 13/2010/QĐ-UBND đề án thu hút bác sỹ dược sỹ về làm việc tại tỉnh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 13/2010/QĐ-UBND đề án thu hút bác sỹ dược sỹ về làm việc tại tỉnh
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu13/2010/QĐ-UBND
              Cơ quan ban hànhTỉnh Hưng Yên
              Người kýNguyễn Văn Cường
              Ngày ban hành10/05/2010
              Ngày hiệu lực20/05/2010
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Thể thao - Y tế
              Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 01/01/2015
              Cập nhật4 năm trước

              Văn bản gốc Quyết định 13/2010/QĐ-UBND đề án thu hút bác sỹ dược sỹ về làm việc tại tỉnh

              Lịch sử hiệu lực Quyết định 13/2010/QĐ-UBND đề án thu hút bác sỹ dược sỹ về làm việc tại tỉnh