Quyết định 178/1999/QĐ-TTg

Quyết định 178/1999/QĐ-TTg về Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 178/1999/QĐ-TTg Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước hàng hoá xuất nhập khẩu đã được thay thế bởi Nghị định 89/2006/NĐ-CP nhãn hàng hoá và được áp dụng kể từ ngày 13/03/2007.

Nội dung toàn văn Quyết định 178/1999/QĐ-TTg Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước hàng hoá xuất nhập khẩu


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 178/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 178/1999/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 8 NĂM 1999 BAN HÀNH QUY CHẾ GHI NHÃN HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 6 (sáu) tháng kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

GHI NHÃN HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

1. Quy chế này quy định việc ghi nhãn đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước và để xuất khẩu; hàng hóa sản xuất tại nước ngoài được nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

2. Hàng hóa là thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm không có bao gói sẵn được bán trực tiếp cho người tiêu dùng; đồ ăn, đồ uống có bao gói sẵn và có giá trị tiêu dùng trong 24 giờ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Đối tượng áp dụng của Quy chế này là các tổ chức, cá nhân, thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, để xuất khẩu; tổ chức, cá nhân, thương nhân nhập khẩu hàng hóa để bán tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ.

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài, chắc chắn trên hàng hóa hoặc bao bì để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hóa đó.

2. Bao bì thương phẩm là bao bì gắn trực tiếp vào hàng hóa và được bán cùng với hàng hóa cho người tiêu dùng, gồm bao bì chứa đựng, bao bì ngoài:

a) Bao bì chứa đựng là bao bì trực tiếp chứa đựng hàng hóa, tạo ra hình, khối cho hàng hóa, hoặc bọc kín theo hình, khối của hàng hóa.

b) Bao bì ngoài là bao bì dùng chứa đựng một, hoặc một số bao bì chứa đựng hàng hóa.

3. Bao bì không có tính chất thương phẩm là bao bì không bán lẻ cùng với hàng hóa, gồm nhiều loại được dùng trong vận chuyển, bảo quản hàng hóa trên các phương tiện vận tải hoặc trong các kho tàng.

4. Ghi nhãn hàng hóa là việc ghi các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hóa lên nhãn hàng hóa nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản để nhận biết hàng hóa, làm căn cứ để người mua quyết định việc lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng hàng hóa, các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra giám sát.

5. Nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa là phần bao gồm những thông tin quan trọng nhất về hàng hóa phải ghi trên nhãn hàng hóa.

6. Nội dung không bắt buộc của nhãn hàng hóa là phần bao gồm những thông tin khác, ngoài nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa.

7. Phần chính của nhãn (Principal Display Panel: PDP) là một phần ghi các nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhìn thấy dễ dàng và rõ nhất trong điều kiện bầy hàng bình thường được thiết kế tùy thuộc vào kích thước thực tế của bao bì trực tiếp chứa đựng hàng hóa, không được nằm ở phần đáy bao bì.

8. Phần thông tin là phần tiếp nối ở phía bên phải phần chính của nhãn, ghi các nội dung không bắt buộc của nhãn hàng hóa, hoặc một số nội dung bắt buộc trong trường hợp phần chính của nhãn không đủ chỗ để ghi các nội dung bắt buộc đó.

Điều 4. Yêu cầu cơ bản của nhãn hàng hóa.

Tất cả các chữ viết, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu, ghi trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng, đúng với thực chất của hàng hóa, không được ghi mập mờ, gây ra sự nhầm lẫn với nhãn hàng hóa khác.

Điều 5. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa.

1. Nhãn hàng hóa lưu thông trong nước phải được viết bằng tiếng Việt Nam, tùy theo yêu cầu của từng loại hàng hóa có thể viết thêm bằng tiếng nước ngoài nhưng kích thước phải nhỏ hơn.

2. Nhãn hàng hóa xuất khẩu, có thể viết bằng ngôn ngữ của nước, vùng nhập khẩu hàng hóa đó nếu có thỏa thuận trong hợp đồng mua, bán hàng hóa.

3. Đối với hàng hóa nhập khẩu để lưu thông, tiêu thụ ở thị trường Việt Nam thì ngôn ngữ trình bầy trên nhãn hàng hóa được áp dụng một trong các cách thức sau đây:

a) Khi ký kết hợp đồng nhập khẩu, thương nhân cần yêu cầu để phía cung cấp hàng chấp thuận ghi trên phần nhãn nguyên gốc các thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt Nam.

b) Trường hợp không thỏa thuận được như nội dung điểm a khoản 3 Điều này thì thương nhân nhập khẩu hàng hóa phải làm nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt Nam đính kèm theo nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài của hàng hóa đó trước khi đưa ra bán hoặc lưu thông ở thị trường.

Chương 2

GHI NỘI DUNG CỦA NHÃN HÀNG HÓA

MỤC 1. NỘI DUNG BẮT BUỘC

Điều 6. Tên hàng hóa.

1. Tên hàng hóa là tên gọi cụ thể của hàng hóa, là tên đã được sử dụng trong tiêu chuẩn Việt Nam của hàng hóa đó. Chữ viết tên hàng hóa có chiều cao không nhỏ hơn một nửa (1/2) chữ cao nhất có mặt trên nhãn hàng hóa.

2. Trường hợp hàng hóa chưa có tên trong tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) thì tên của hàng hóa được lấy từ tên ghi trong tiêu chuẩn Quốc tế mà Việt Nam đã công bố áp dụng.

3. Trường hợp hàng hóa không có tên quy định tại khoản 1, 2 Điều này thì dùng tên hàng hóa kèm theo danh mã trong bảng phân loại hàng hóa H.S (Harmonized commodity description and Coding System) Quốc tế mà Việt Nam đã công bố áp dụng.

4. Trường hợp hàng hóa không có tên quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này thì được dùng tên mô tả cụ thể hoặc nói rõ công dụng của hàng hóa.

Điều 7. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.

1. Nếu hàng hóa được sản xuất hoàn chỉnh tại một cơ sở sản xuất, tên thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là tên cơ sở sản xuất, với dòng chữ ghi trên nhãn hàng hóa là:

Sản xuất tại ...................... hoặc sản phẩm của .................

2. Nếu hàng hóa được lắp ráp từ các chi tiết, phụ tùng do từ nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, tên thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là tên cơ sở lắp ráp thành phẩm, với dòng chữ ghi trên nhãn hàng hóa là: cơ sở lắp ráp...................... hoặc lắp ráp tại.............

3. Nếu hàng hóa là hàng nhập khẩu hoặc hàng thuộc đại lý bán hàng cho thương nhân nước ngoài, thì tên thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là tên thương nhân nhập khẩu hoặc tên thương nhân đại lý bán hàng, với dòng chữ: thương nhân nhập khẩu.......... hoặc thương nhân đại lý................

4. Địa chỉ gồm có: số nhà, đường phố (thôn, xóm), phường (xã), quận (huyện, thị xã), thành phố (tỉnh).

Điều 8. Định lượng của hàng hóa.

1. Định lượng của hàng hóa là số lượng (số đếm) hoặc khối lượng tịnh; thể tích, kích thước thực của hàng hóa có trong bao bì thương phẩm.

2. Đơn vị đo lường dùng để thể hiện định lượng hàng hóa là đơn vị đo lường hợp pháp của Việt Nam, theo hệ đơn vị đo lường Quốc tế (S.I).

Nếu dùng hệ đơn vị đo lường khác thì phải ghi cả số quy đổi sang hệ đơn vị đo lường (S.I), trừ hàng hóa đặc biệt như màn hình máy thu hình (TV), dầu khoáng nguyên khai v.v...

3. Kích thước và chữ số để ghi định lượng trên nhãn hàng hóa được thiết kế theo diện tích phần chính của nhãn (PDP).

4. Vị trí để ghi định lượng nằm ở phía dưới của phần chính của nhãn (PDP) với diện tích chiếm 30% diện tích của nhãn (PDP) và chiều cao khoảng 1/3 chiều cao của nhãn (PDP).

5. Chữ và số ghi định lượng theo dòng song song với đáy bao bì.

Điều 9. Thành phần cấu tạo.

1. Hàng hóa là thực phẩm đóng gói sẵn, đồ uống, mỹ phẩm có cấu tạo từ hai thành phần trở lên thì phải ghi thành phần cấu tạo trên nhãn hàng hóa.

2. Hàng hóa khác có cấu tạo từ hai thành phần trở lên thì phải ghi thành phần cấu tạo quyết định giá trị sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa.

3. Thành phần cấu tạo được ghi theo thứ tự từ cao xuống thấp về khối lượng hoặc tỷ khối (% khối lượng) của mỗi thành phần cấu tạo hàng hóa, với dòng chữ viết là: thành phần......................... hoặc thành phần cấu tạo:........

4. Đối với hàng hóa có quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn đối với người, với môi trường khi sử dụng, nếu thành phần cấu tạo là thành phần phức hợp gồm từ hai chất trở lên, thì ghi tên thành phần phức hợp đó cùng với tên các chất tạo nên thành phần phức hợp đó, theo thứ tự từ cao xuống thấp về khối lượng hoặc tỷ khối (% khối lượng) của các chất đó.

5. Những thành phần hoặc chất trong thành phần phức hợp thuộc loại đặc biệt: đã chiếu xạ, đã áp dụng kỹ thuật biến gen hoặc chất bảo quản,... đã quy định liều lượng sử dụng hoặc được xếp trong danh sách gây kích ứng, độc hại... phải được ghi trên nhãn hàng hóa theo các quy định Quốc tế mà Việt Nam công bố áp dụng.

Điều 10. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu.

Những chỉ tiêu chất lượng chủ yếu quyết định giá trị sử dụng và chỉ tiêu an toàn đối với người, với môi trường khi sử dụng phải được ghi trên nhãn hàng hóa.

Điều 11. Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản.

1. Đối với những hàng hóa mà trong hướng dẫn chi tiết của các Bộ quản lý ngành nói tại khoản 2 Điều 19 Quy chế này có quy định phải ghi ngày sản xuất thì trên nhãn hàng hóa phải ghi ngày sản xuất. Ngày sản xuất là số chỉ ngày, tháng, năm hoàn thành sản xuất hàng hóa đó.

2. Tùy theo tính chất, yêu cầu hướng dẫn sử dụng và quản lý của từng nhóm, loại hàng hóa cụ thể, phải ghi một trong các thời hạn sau đây trên nhãn hàng hóa:

a) Với các nhóm, loại hàng hóa là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm phải ghi thời hạn sử dụng. Thời hạn sử dụng là số chỉ ngày, tháng, năm mà quá mốc thời gian đó, hàng hóa không được phép lưu thông và không được sử dụng.

b) Với các nhóm, loại hàng hóa cần đảm bảo an toàn chất lượng trong bảo quản dự trữ phải ghi thời hạn bảo quản trên nhãn hàng hóa. Thời hạn bảo quản là số chỉ ngày, tháng, năm có thể lưu giữ hàng hóa trong kho bảo quản mà quá mốc thời gian đó hàng hóa có thể bị biến đổi xấu về chất lượng trước khi hàng hóa đó được đưa ra tiêu thụ.

3. Cách ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản:

a) Ghi theo ngày, tháng, năm dương lịch.

b) Số chỉ ngày: gồm hai con số;

Số chỉ tháng: gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ;

Số chỉ năm: gồm hai con số cuối của năm.

Điều 12. Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng.

1. Trên nhãn hàng hóa phải ghi hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo nguy hại có thể xẩy ra nếu sử dụng hàng hóa không đúng cách thức và cách xử lý sự cố nguy hại xẩy ra.

2. Trường hợp nhãn hàng hóa không đủ diện tích để ghi các hướng dẫn nói trên thì phải ghi các nội dung đó vào một tài liệu kèm theo hàng hóa để cung cấp cho người mua hàng.

Điều 13. Xuất xứ của hàng hóa.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trên nhãn hàng hóa phải ghi tên nước xuất xứ.

MỤC 2: NỘI DUNG KHÔNG BẮT BUỘC

Điều 14. Ngoài những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, tùy theo yêu cầu và đặc thù riêng của từng hàng hóa, có thể ghi thêm các thông tin cần thiết khác nhưng không được trái với các quy định của pháp luật và của Quy chế này, đồng thời không được che khuất hoặc làm hiểu sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa.

Chương 3

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GHI NHÃN HÀNG HÓA

Điều 15. Nội dung quản lý Nhà nước về ghi nhãn hàng hóa.

1. Xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hóa;

2. Giám sát, kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hóa;

3. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

Điều 16. Cơ quan quản lý Nhà nước về ghi nhãn hàng hóa.

1. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý Nhà nước về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về Thương mại trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Chương 4

HÀNH VI VI PHẠM

Điều 17. Các hành vi vi phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

1. Lưu thông hàng hóa không có nhãn hàng hóa theo quy định.

2. Nhãn hàng hóa có những nội dung thông tin bằng hình ảnh, hình vẽ hoặc chữ viết không đúng với bản chất thực của hàng hóa đó.

3. Nhãn hàng hóa không rõ ràng, mờ nhạt đến mức mắt thường không đọc được nội dung ghi trên nhãn.

4. Nhãn hàng hóa không có đủ các nội dung bắt buộc theo quy định.

5. Nội dung trình bày trên nhãn hàng hóa không đúng kích thước vị trí, cách ghi và ngôn ngữ.

6. Nội dung ghi trên nhãn hàng hóa bị tẩy xóa, sửa đổi.

7. Thay nhãn hàng hóa nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng.

8. Sử dụng nhãn hàng hóa đã được pháp luật bảo hộ mà không được sự chấp thuận của chủ sở hữu.

9. Nhãn hàng hóa trùng với nhãn hàng hóa cùng loại của thương nhân khác đã được pháp luật bảo hộ.

Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bất kỳ nội dung nào nói trên đều phải bị xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.

Điều 18. Hình thức và thẩm quyền xử lý vi phạm.

Hình thức xử lý vi phạm và thẩm quyền xử lý vi phạm về ghi nhãn hàng hóa được thực hiện theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Chương 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành.

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 6 (sáu) tháng kể từ ngày ban hành.

2. Các Bộ quản lý ngành căn cứ chức năng quản lý các yêu cầu cụ thể về sử dụng, bảo quản đối với các hàng hóa riêng biệt thuộc phạm vi ngành phụ trách, có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cách ghi nhãn các hàng hóa riêng biệt nhưng không được trái với các quy định của Quy chế này và gửi cho Bộ Thương mại để Bộ Thương mại tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ .

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 178/1999/QĐ-TTg

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu178/1999/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/08/1999
Ngày hiệu lực28/02/2000
Ngày công báo08/10/1999
Số công báoSố 37
Lĩnh vựcThương mại, Xuất nhập khẩu
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 13/03/2007
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 178/1999/QĐ-TTg

Lược đồ Quyết định 178/1999/QĐ-TTg Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước hàng hoá xuất nhập khẩu


Văn bản bị đính chính

    Văn bản được hướng dẫn

      Văn bản đính chính

        Văn bản bị thay thế

          Văn bản hiện thời

          Quyết định 178/1999/QĐ-TTg Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước hàng hoá xuất nhập khẩu
          Loại văn bảnQuyết định
          Số hiệu178/1999/QĐ-TTg
          Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
          Người kýPhan Văn Khải
          Ngày ban hành30/08/1999
          Ngày hiệu lực28/02/2000
          Ngày công báo08/10/1999
          Số công báoSố 37
          Lĩnh vựcThương mại, Xuất nhập khẩu
          Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 13/03/2007
          Cập nhật7 năm trước

          Văn bản được dẫn chiếu

            Văn bản hướng dẫn

            Văn bản được hợp nhất

              Văn bản được căn cứ

              Văn bản hợp nhất

                Văn bản gốc Quyết định 178/1999/QĐ-TTg Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước hàng hoá xuất nhập khẩu

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 178/1999/QĐ-TTg Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước hàng hoá xuất nhập khẩu