Quyết định 77/2005/QĐ-UBND

Quyết định 77/2005/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010

Quyết định 77/2005/QĐ-UBND Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ Bình Thuận đến 2010 đã được thay thế bởi Quyết định 2893/QĐ-UBND năm 2011 bãi bỏ văn bản quy phạm Bình Thuận và được áp dụng kể từ ngày 30/12/2011.

Nội dung toàn văn Quyết định 77/2005/QĐ-UBND Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ Bình Thuận đến 2010


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/2005/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 22 tháng 11 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Xét đề nghị của Sở Thương mại tại Tờ trình số 402/TM-KH ngày 06/7/2005;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 (có nội dung kèm theo).

Điều 2. Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 đã được phê duyệt tại Quyết định này; Sở Thương mại, các Sở, Ban, Ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thuộc phạm vi trách nhiệm được giao, tổ chức triển khai trong kế hoạch hàng năm, bảo đảm thực hiện tốt các định hướng cơ bản và các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Công an Tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- T/T. Tỉnh ủy (b/c);
- T/T. HĐND Tỉnh (b/c);
- Bộ Thương mại (báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- CT, các PCT UBND Tỉnh;
- Phó VP.UBND Tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lưu VP, KT, TH, ĐTQH.
(Thiện 40 ).

TM .UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

NỘI DUNG QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 77/2005/QĐ-UBND ngày 22/11/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận).

Phần I

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN TRONG THỜI GIAN QUA

I. CÁC ĐIỀU KIỆN ẢNH HƯỞNG, TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TỈNH BÌNH THUẬN.

1. Điều kiện tự nhiên :

Bình Thuận là Tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ, thuộc vùng kinh tế Đông Nam bộ, có vị trí thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của phiá Nam, các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Bình Thuận có nguồn tài nguyên biển, đất đai, khoáng sản tương đối dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển du lịch, thủy sản, phát triển sản xuất hàng hoá theo mô hình nông lâm kết hợp, hình thành các vùng sản xuất tập trung phục vụ phát triển công nghiệp chế biến.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội:

Dân số Bình Thuận trong những năm qua phát triển tương đối nhanh nhưng mật độ dân số còn thấp. Năm 2004 tỷ lệ tăng dân số là 1,49% với quy mô dân số là 1.140.429 người. Trong đó, khu vực thành thị 395.381 người, chiếm 34,67%; nông thôn 745.048 người, chiếm 65,33%.

Bình Thuận có nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá và liên tục, tốc độ tăng GDP bình quân từ 12-13,7% năm. Tỷ trọng GDP các ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực :

- Nông, lâm thuỷ sản giảm từ 54,4 % (1992) xuống còn 34,20% (2004).

- Công nghiệp, xây dựng tăng từ 11,39% (1992) lên 27,80% (2004).

- Thương mại, dịch vụ tăng từ 24,1% (1992) lên 38,000% (2004).

Năng suất và sản lượng trong sản xuất nông nghiệp (cả trồng trọt và chăn nuôi) đều tăng. Thủy sản phát triển nhanh cả trong nuôi trồng và khai thác. Công nghiệp chế biến từng bước được phát triển. Xuất khẩu tăng bình quân hàng năm cao, từ 20 - 25%. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội tăng 18 - 20%/năm. Du lịch phát triển nhanh, lượng khách du lịch đến Bình Thuận hàng năm tăng bình quân trên 30%.

Tuy nhiên, nhìn chung quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh Bình Thuận còn hạn chế. GDP bình quân đầu người năm 2004 đạt 350 USD, chủ yếu chi cho các nhu cầu cơ bản như: ăn, mặc, ở, đi lại.

Các điều kiện và đặc điểm trên đã tạo ra những thuận lợi cũng như những khó khăn, hạn chế đối với quá trình hình thành và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

II. ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA MẠNG LƯỚI CHỢ BÌNH THUẬN:

1. Đặc điểm hình thành và phát triển:

Chợ ở Bình Thuận hình thành và phát triển theo qui luật khách quan của xã hội. Trước năm 1975, chợ được xây dựng tập trung ở các đô thị, các trung tâm hành chính huyện, xã nhằm thoả mãn nhu cầu mua bán hàng hoá tiêu dùng của cư dân tại chỗ. Sau năm 1975, hầu hết các chợ cũ đều duy trì hoạt động và từng bước phát triển thêm một số chợ mới cùng với sự phát triển các khu dân cư tập trung mới và phát triển mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã. Yếu tố hình thành các chợ mới cơ bản là do phát sinh nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng thường xuyên của dân cư. Các chợ mới hình thành hầu hết bám theo các trục giao thông, các điểm nút giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, liên xã. Quá trình hình thành và phát triển chợ trong thời gian qua còn mang tính tự phát, chưa được quan tâm trong quy hoạch, đầu tư và quản lý, khai thác.

2. Đặc điểm về hàng hoá, sản phẩm trao đổi, mua bán qua chợ:

Hàng hoá kinh doanh tại chợ có cơ cấu tương đối giống nhau: Hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống) chiếm tỷ lệ lớn nhất, kế tiếp là nhóm hàng công nghệ (hàng may mặc, giầy dép, dụng cụ gia đình, hàng điện, điện tử). Kinh doanh ăn uống, dịch vụ và các sản phẩm do người sản xuất trực tiếp bán lẻ ở tất cả các chợ đều có.

Hàng hoá vật tư phục vụ sản xuất, hàng vật liệu xây dựng kinh doanh buôn bán ở khu vực riêng ngoài phạm vi chợ.

3. Đặc điểm về tổ chức và quản lý chợ:

- Được tổ chức theo địa bàn dân cư với quy mô, cấp độ khác nhau và phạm vi phục vụ không phân biệt địa giới hành chính;

- Độc lập với nhau về mặt tổ chức và quản lý khai thác;

- Việc quản lý chợ được thực hiện theo mô hình Ban quản lý, Tổ quản lý chợ mang tính chất quản lý hành chính kinh tế, chưa phải là quản lý kinh doanh.

III. PHÂN LOẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH :

Toàn Tỉnh hiện có 121 chợ, trong đó 120 chợ đang hoạt động và 01 chợ không hoạt động (có công trình chợ nhưng không sử dụng); bao gồm 31 chợ thành thị, 89 chợ nông thôn. Riêng khu vực miền núi có 21 chợ; trong đó, thuộc khu vực I II có 17 chợ, khu vực III có 4 chợ. Mạng lưới chợ hiện có được phân loại như sau:

1. Phân loại theo quy mô:

- Chợ loại 1: 1 chợ là chợ trung tâm Phan Thiết.

- Chợ loại 2: 10 chợ; trong đó: Phan Thiết 1 chợ, Tuy Phong 2 chợ, Hàm Thuận Bắc 1 chợ, Hàm Thuận Nam 1 chợ, Hàm Tân 3 chợ, Tánh Linh 1 chợ, Đức Linh 1 chợ.

- Chợ loại 3: 109 chợ; trong đó: Phan Thiết 16 chợ, Tuy Phong 9 chợ, Bắc Bình 10 chợ, Hàm Thuận Bắc 23 chợ, Hàm Thuận Nam 13 chợ, Hàm Tân 16 chợ, Tánh Linh 7 chợ, Đức Linh 11 chợ và Phú Quý 4 chợ.

2. Phân loại theo chức năng kinh doanh:

- Chợ đầu mối, chợ bán buôn: 2 chợ có tính chất của chợ đầu mối, chợ bán buôn là Chợ cá Phan Thiết và Chợ cá Lagi (chiếm 1,67% tổng số chợ);

- Chợ vừa bán buôn, vừa bán lẻ: 20 chợ (chiếm 16,67% tổng số chợ);

- Chợ bán lẻ: 98 chợ (chiếm hơn 81,66% tổng số chợ).

3. Phân loại chợ theo qui mô cơ sở vật chất:

- Chợ kiên cố:                                                   13 chợ chiếm 10,8% tổng số chợ;

- Chợ bán kiên cố:                                             49 chợ chiếm 40,8% tổng số chợ;

- Chợ chưa có công trình xây dựng:                    58 chợ chiếm 48,4% tổng số chợ,

(trong đó có 27 chợ chỉ có nền chợ).

4. Phân loại chợ theo phạm vi ảnh hưởng:

- Chợ tỉnh: có 1 chợ là chợ trung tâm thành phố Phan Thiết.

- Chợ liên huyện: có 2 chợ là chợ Phan Rí Cửa (Tuy Phong) và chợ Đức Tài (Đức Linh);

- Chợ huyện: có 8 chợ là các chợ Liên Hương (Tuy Phong), Lương Sơn (Bắc Bình), Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), Thuận Nam (Hàm Thuận Nam), La Gi (Hàm Tân), Võ Xu (Đức Linh), Lạc Tánh (Tánh Linh), Ngũ Phụng (Phú Quý);

- Chợ liên xã, phường: có 12 chợ;

- Chợ xã, phường: có 80 chợ;

- Chợ thôn, ấp: có 17 chợ hầu hết là chợ tạm, chợ ngoài trời, chưa có công trình chợ.

5. Phân loại chợ theo trình độ tổ chức quản lý:

- Hình thức Ban Quản lý chợ có 18 chợ; hình thức Tổ Quản lý chợ có 8 chợ; hình thức quản lý khác có 94 chợ (UBND xã, phường giao cho các tổ chức đoàn thể ở địa phương quản lý trực tiếp, một số giao khoán cho cá nhân, một số do tư nhân cho thuê mặt bằng làm chợ và tự quản lý).

IV. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN BÌNH THUẬN:

1. Thực trạng phát triển mạng lưới chợ:

Toàn Tỉnh hiện có 120 chợ đang hoạt động; bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 0,98 chợ; bán kính phục vụ bình quân của 1 chợ là 4,55 km, bình quân một chợ phục vụ 9.356 người.

Tình hình phân bổ mạng lưới chợ tỉnh Bình Thuận xem phụ lục 1.

2. Thực trạng phát triển cơ sở vật chất chợ:

2.1. Thực trạng cơ sở vật chất chợ hiện có:

- Diện tích chợ: Tổng diện tích khuôn viên chợ (mặt bằng chợ) hiện có trên toàn Tỉnh là: 254.328 m2; trong đó, diện tích xây dựng: 94.963 m2 (chiếm 37,3 %).

Diện tích khuôn viên (mặt bằng) bình quân của 1 chợ là 2.118 m2; diện tích xây dựng bình quân mỗi chợ là 1.010 m2.

Cơ sở vật chất chợ hiện có phân theo địa bàn huyện, thành phố xem phụ lục 2.

- Về kết cấu hạ tầng: Hệ thống đường nội bộ trong các chợ đa số nhỏ hẹp. Việc bố trí các hạng mục, gian bán hàng, quầy hàng ở hầu hết các chợ đều không bảo đảm yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC và thoát nạn khi có sự cố xảy ra; một số hệ thống kỹ thuật của chợ như: Hệ thống điện, thông gió, thoát khói... và trang thiết bị của hệ thống phòng cháy chữa cháy ở các chợ còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu chung và an toàn PCCC.

Phần lớn các chợ chưa có hệ thống cấp, thoát nước đúng qui chuẩn, không thoát nước kịp khi mưa lớn gây ướt, ngập, ô nhiễm môi trường trong chợ.

Hệ thống nhà vệ sinh trong chợ chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn.

Nhìn chung, kết cấu hạ tầng chợ còn yếu kém, các chợ đang trong tình trạng xuống cấp, nhiều chợ quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu kinh doanh.

2.2. Thực trạng đầu tư phát triển chợ những năm qua:

Đầu tư xây dựng chợ ở Bình Thuận trong những năm qua được huy động từ các nguồn: Nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn thu từ chợ, huy động từ các hộ tham gia kinh doanh trong chợ và các nguồn vốn xã hội khác. Trong đó, vốn đầu tư huy động từ các hộ kinh doanh trong chợ chiếm tỷ lệ khá lớn. Có những chợ nguồn vốn này 100% là do các hộ kinh doanh đóng góp.

Hàng năm, Tỉnh đều dành một khoản ngân sách cho việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới chợ. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung đầu tư nâng cấp cho một số chợ trung tâm huyện, thành phố và kết hợp với nguồn vốn thuộc Chương trình 135 đầu tư xây dựng mới cho 1 số chợ trung tâm cụm xã.

V. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH DOANH TẠI CHỢ:

1. Lực lượng kinh doanh tại chợ:

Tổng số hộ kinh doanh ở chợ trên địa bàn toàn Tỉnh là 11.427 hộ; trong đó, hộ kinh doanh thường xuyên là 8.145 hộ, kinh doanh không thường xuyên là 3.282 hộ chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể và người sản xuất nhỏ trực tiếp bán sản phẩm.

Phân theo địa bàn huyện, thành phố như sau: Phan Thiết: 2.560 hộ, Tuy Phong: 1.533 hộ, Bắc Bình: 962 hộ, Hàm Thuận Bắc: 1.135 hộ, Hàm Thuận Nam: 688 hộ, Hàm Tân: 2.011 hộ, Đức Linh: 1.330 hộ, Tánh Linh: 1.061 hộ, Phú Quý: 147 hộ.

2. Giá trị và cơ cấu hàng hoá kinh doanh tại chợ:

Tổng giá trị hàng hoá bán ra tại các chợ năm 2004 ước khoảng 1.381,10 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ của Tỉnh.

Hàng hoá mua bán tại các chợ có cơ cấu: Thực phẩm chế biến 25 - 30%; thực phẩm tươi sống 20 - 22%; hàng may mặc, giầy dép 16 - 18%; dụng cụ gia đình, hàng điện, điện tử 15 - 17% ; các mặt hàng khác và dịch vụ ăn uống 10 - 13%.

3. Thực trạng quản lý chợ:

Trên địa bàn Tỉnh đang tồn tại nhiều hình thức quản lý và tổ chức quản lý: Ban Quản lý chợ, Tổ Quản lý chợ, một số chợ do UBND xã, phường giao cho các tổ chức đoàn thể ở địa phương quản lý trực tiếp hoặc giao khoán cho cá nhân, một số do tư nhân cho thuê mặt bằng làm chợ và tự quản lý.

Tình hình quản lý chợ như sau:

- Quản lý về kinh tế, tài chính: Đơn vị quản lý chợ trực tiếp quản lý cơ sở vật chất, tài sản và hoạt động trong phạm vi chợ; khai thác cơ sở vật chất của chợ, bao gồm: Thu tiền thuê mặt bằng, cho thuê dịch vụ, lệ phí môi sinh... của các hộ kinh doanh trong phạm vi chợ. Năm 2004, tổng số thu ngân sách của các chợ toàn Tỉnh trên 10 tỷ đồng (bao gồm thuế và các khoản phí, lệ phí).

- Quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ: Các đơn vị quản lý chợ trực tiếp quản lý việc thực hiện Nội qui chợ của các hộ kinh doanh, công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường của chợ.

Tóm lại, thực trạng mạng lưới chợ là cơ sở để kế thừa và phát triển mạng lưới chợ ở Tỉnh trong những năm tới, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài cả về mạng lưới, diện tích, cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức quản lý, cơ chế và phương thức quản lý kinh doanh khai thác chợ... Trong tổng số 120 chợ đang hoạt động trên phạm vi toàn Tỉnh có 27 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ, 4 chợ cần được mở rộng diện tích mặt bằng chợ, 32 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ, 54 chợ giải tỏa để sắp xếp quy hoạch lại.

VI. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN:

1. Kết quả đạt được:

- Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp đã quan tâm, chú ý đúng mức đến công tác phát triển và quản lý chợ thông qua việc chỉ đạo, định hướng phát triển mạng lưới chợ trong xây dựng các quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội ở địa phương và bố trí vốn để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các chợ trên địa bàn;

- Nhìn chung, mạng lưới chợ toàn Tỉnh từng bước được đầu tư nâng cấp, phát triển đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc lưu thông tiêu thụ các sản phẩm của địa phương;

- Công tác quản lý chợ từng bước đi vào nề nếp. Ý thức chấp hành các quy định của nhà nước trong kinh doanh tại chợ được nâng lên; công tác quản lý về chất lượng, đo lường trong mua, bán tại chợ được tăng cường;

- Khối lượng hàng hoá kinh doanh qua chợ tăng bình quân trên 10%/năm; chủng loại hàng hoá ngày càng phong phú, đa dạng. Hoạt động của các chợ góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giải quyết lao động, việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương. Một số chợ thật sự là nhân tố quan trọng của quá trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn trong Tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế:

- Mạng lưới chợ phân bố chưa đều giữa các địa bàn trong Tỉnh, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, trung tâm huyện lỵ và trung tâm một số xã nằm trên trục đường quốc lộ, tỉnh lộ trong khi ở hầu hết các xã vùng cao, xã đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở Tỉnh chưa có chợ;

- Cơ sở vật chất kỹ thuật của hầu hết các chợ đều ở tình trạng xuống cấp, cũ kỹ, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu mua bán hàng hoá của nhân dân địa phương và khách vãng lai;

- Các chợ ở thành phố Phan Thiết có mặt bằng quá nhỏ so với yêu cầu; đa số các chợ đều không có bãi bốc dỡ hàng hoá, bãi gửi xe, khu dịch vụ riêng…;

- Chợ khu vực nông thôn chủ yếu là chợ bán kiên cố, chợ tạm không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường. Số chợ xã miền núi thực chất chỉ là tụ điểm mua bán, không có công trình xây dựng, chợ họp ngoài trời, thời gian họp chợ rất ngắn;

- Một số khá lớn chợ đã quá tải, hiện tượng người bán tràn ra cả lối đi, chiếm dụng lòng lề đường gây mất trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường khu vực xung quanh chợ;

- Vị trí một số chợ trên trục quốc lộ 1A, 55, 28 vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ, không bảo đảm an toàn giao thông. Vị trí một số chợ cũng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn;

- Công tác quản lý chợ còn nhiều mặt bất cập, thiếu thống nhất và chưa chặt chẽ. Các qui định về kinh doanh, khai thác chợ, qui chế hoạt động của đơn vị quản lý chợ chưa cụ thể, rõ ràng. Các khoản thu phí, lệ phí ở các chợ chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ;

- Công tác thông tin, báo cáo tình hình hoạt động chợ trên địa bàn toàn Tỉnh không thường xuyên, thiếu đầy đủ và thiếu chính xác gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

3. Nguyên nhân :

- Phần lớn các chợ ở Bình Thuận hình thành từ trước giải phóng, quá trình phát triển chợ chịu tác động của nhiều yếu tố trong khi công tác đầu tư phát triển chợ ở địa phương có nhiều lúng túng về phân cấp và nguồn vốn đầu tư xây dựng. Công tác quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn Tỉnh chưa được chỉ đạo triển khai sớm làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện;

- Một số quy định tại Thông tư số 15-TM/TTTN ngày 16/10/1996 của Bộ Thương mại hướng dẫn về quản lý và tổ chức chợ chưa cụ thể, tạo lúng túng cho địa phương khi thực hiện, nhất là công tác quản lý nhà nước về chợ;

- Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và UBND các cấp trong phát triển và quản lý chợ chưa chặt chẽ và thường xuyên; cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp UBND các huyện, thành phố trong Tỉnh về công tác phát triển và quản lý chợ ở địa bàn chưa chủ động;

- Vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển hàng năm của Tỉnh còn hạn hẹp; các giải pháp huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác chưa được cụ thể hoá bằng các văn bản pháp luật tạo sự yên tâm và khuyến khích các chủ thể kinh tế tham gia đầu tư phát triển và tổ chức kinh doanh khai thác chợ.

Phần II

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

I. TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010 VÀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH, LĨNH VỰC ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHỢ Ở BÌNH THUẬN:

Tổng sản phẩm nội Tỉnh tăng bình quân hằng năm 13,5 - 14%. Trong đó, Nông - Lâm - Ngư nghiệp tăng 6,5 - 7%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 19 - 19,5%; Dịch vụ tăng 15,5 - 16%. GDP bình quân đầu người đạt trên 800 USD. Đến năm 2010, tỷ trọng khối ngành Công nghiệp - Xây dựng 37 - 38%; Dịch vụ 40 - 41% và Nông, ngư, lâm nghiệp 21 - 22% trong GDP;

- Tỷ lệ thu ngân sách (trừ thuế tài nguyên dầu khí) so với GDP bằng 16%. Chi ngân sách tập trung cho đầu tư XDCB hàng năm chiếm 35% tổng chi ngân sách. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 47 - 48% GDP;

- Đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 235 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 gấp trên 2,2 lần so với năm 2005; tỷ lệ diện tích gieo trồng được tưới 34,3%, sản lượng lương thực 500.00 tấn; thu hút 3 triệu lượt khách du lịch;

- Giải quyết lao động có việc làm bình quân mỗi năm 22.000 người. Đến năm 2010, cơ cấu lao động nông nghiệp còn 56%; tỷ lệ phát triển tự nhiên dân số còn 1,14%; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 5%.

1. Triển vọng phát triển các ngành sản xuất sản phẩm hàng hoá ở Tỉnh đến năm 2010 :

1.1. Nông nghiệp:

Mục tiêu đạt sản lượng nông sản hàng hoá chủ yếu đến năm 2010 như sau:

- Trồng trọt: Cây lương thực (lúa, mì, bắp) 1.003.306 tấn, cây màu (đậu, mè, lạc, hạt dưa) 86.980 tấn, cây lâu năm (tiêu, điều, cao su mủ khô) 51.950 tấn, rau các loại 149.850 tấn, thanh long 187.500 tấn, cây ăn quả khác 327.500 tấn;

- Chăn nuôi: Gia súc (bò, heo, dê) 683.000 con, gia cầm (gà, vịt) 6,5 triệu con, trứng gia cầm 120 triệu quả.

1.2. Lâm nghiệp:

Trồng mới mỗi năm bình quân 5.000 ha rừng; sản lượng khai thác và tỉa thưa rừng trồng 20.000 m3/năm. Khai thác lâm sản phụ hàng năm: 500.000 cây tre, lồ-ô; 2.000.000 cây le; 500.000 sợi song, mây; 500.000 cây tre nứa; 500 tấn lá buông.

1.3. Thuỷ sản:

Đến năm 2010, sản lượng tôm nuôi 20.000 tấn, hải sản khai thác 170.000 tấn, sản lượng muối 120.000 tấn.

1.4. Công nghiệp:

- Nước khoáng đạt 75 – 80 triệu lít năm 2010.

- Phát triển công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng để tạo ra các sản phẩm công nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Định hướng phát triển giao thông:

- Đầu tư hoàn chỉnh một số tuyến do trung ương làm chủ đầu tư như Quốc lộ 55, Quốc lộ 28, các tuyến nhánh nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 20 đi qua vùng thung lũng sông La Ngà;

- Nâng cấp, thông tuyến các tuyến tỉnh lộ nối Quốc lộ 1A đến các vùng sản xuất hàng hoá, các khu du lịch, các xã ven biển, miền núi vùng cao;

- Kiên cố hoá hệ thống đường giao thông nông thôn bằng nguồn đóng góp của dân, hỗ trợ của ngân sách địa phương, vay ưu đãi và vốn viện trợ;

- Cải tạo, nâng cấp, nhựa hoá hoặc bê tông hoá hệ thống đường giao thông ở các thị trấn, huyện lỵ, đường đô thị thành phố Phan Thiết;

- Hoàn thiện cảng cá Phan Thiết, Phan Rí Cưả, Lagi, nâng cấp cảng Phú Quý để có thể tiếp nhận tàu 5.000 - 10.000 tấn;

- Khôi phục sân bay Phú Quý, xây dựng sân bay Phan Thiết.

3. Định hướng phát triển đô thị và nông thôn:

3.1. Phát triển đô thị:

a) Định hướng phát triển đô thị:

- Mở rộng đô thị ra các vùng ven và xây dựng các đô thị vệ tinh tại vùng ảnh hưởng của thành phố Phan Thiết;

- Hình thành các đô thị mới trên cơ sở khai thác lợi thế ở các vùng chưa phát triển hoặc các khu công nghiệp của Tỉnh.

b) Định hướng tổ chức không gian, hệ thống đô thị trên địa bàn Tỉnh:

- Đô thị trung tâm Tỉnh: Thành phố Phan Thiết là hạt nhân, vùng kinh tế trọng điểm và là đầu mối giao lưu của Tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước;

- Đô thị trung tâm vùng: Hình thành 2 thị xã có quy mô vừa ở khu vực phía Nam và Bắc Tỉnh, giữ vai trò là các đô thị trung tâm, làm điểm tựa cho cụm huyện phía Nam là La gi và phía Bắc là Phan Rí Cửa;

- Đô thị trung tâm huyện: Bao gồm, các thị trấn huyện lỵ hoặc các đô thị vệ tinh làm điểm tựa phát triển của 1 cụm khu dân cư, thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn hoặc điều hoà quá trình tăng trưởng và phát triển của các đô thị lớn hơn:

+ Các thị trấn: Liên Hương, Chợ Lầu, Ma Lâm, Phú Long, Thuận Nam, Lạc Tánh, Võ Xu, Đức Tài, Tân Minh, Tân Nghĩa;

+ Các thị tứ: Vĩnh Hảo, Chí Công, Phan Rí Thành, Hải Ninh, Lương Sơn, Sông Luỹ, Phú Long, Hàm Đức, Hàm Thuận - Đa My, Hàm Thắng, Gia An, Trà Tân, Mê Pu.

+ Trung tâm cụm xã miền núi vùng cao: Phong Phú, Bình An, Phan Lâm, Thuận Minh, Thuận Hòa, Đông Giang, Hàm Cần, Măng Tố, Mêpu.

3.2. Phát triển nông thôn:

Phát triển nền nông nghiệp có tỷ suất hàng hoá cao trên cơ sở đi vào tập trung chuyên canh một số cây trồng và vật nuôi có lợi thế ở địa phương. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các trạm, trại nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2010:

- Đầu tư các công trình thuỷ lợi vừa và lớn để nâng diện tích canh tác được tưới tiêu lên 40.000 ha năm 2010. Đảm bảo 85% dân nông thôn được sử dụng nước sạch;

- Sắp xếp, ổn định cho hơn 20.000 hộ với trên 90.000 nhân khẩu di dân tự do và dân kinh tế mới. Xây dựng hoàn chỉnh 10 trung tâm cụm xã miền núi vùng cao;

- Phát triển các vùng chuyên canh trồng trọt và chăn nuôi.

4. Định hướng phát triển các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp:

4.1. Phát triển các khu dân cư và các khu trung tâm phục vụ công cộng trong đô thị:

- Đối với thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, thị trấn Lagi: Sắp xếp lại các đơn vị ở, khu ở, khu thương mại dịch vụ và nâng cấp kết cấu hạ tầng. Tuỳ theo quy mô đô thị, đất ở chiếm từ 50 - 70% đất dân dụng;

- Các khu đô thị mở rộng, xây dựng mới có bán kính khoảng 5.000 m, được tổ chức thành các đơn vị ở với bán kính trung bình khoảng 500m; khu ở với bán kính trung bình khoảng 1.500 m;

- Đối với các thị trấn và trung tâm huyện lỵ được tổ chức thành 1 khu chức năng thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với các khu chức năng khác nhằm phục vụ thuận tiện cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

4.2. Khu công nghiệp:

Ngoài khu công nghiệp tập trung là Khu Công nghiệp Phan Thiết dự kiến đến 2010, sẽ xây dựng ở các vùng trọng điểm các khu công nghiệp: Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam), Tân Đức, Sơn Mỹ (Hàm Tân).

II. MỘT SỐ XU HƯỚNG ẢNH HƯỞNG PHÁT TRIỂN CHỢ Ở BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010:

1. Xu hướng phát triển sản xuất:

- Thu hẹp dần các ngành khai thác, chế biến truyền thống theo hướng chuyển dần thành các ngành sản xuất kỹ thuật cao và xuất hiện các ngành sản xuất mới thích hợp với trình độ phát triển ngày càng cao hơn;

- Sản phẩm ngày càng đa dạng, tiện dụng, chất lượng cao, chu kỳ sống của sản phẩm ngắn; các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và các dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế;

- Tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn của sản phẩm và việc bảo vệ môi trường trong sản xuất trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhà sản xuất.

2. Xu hướng tiêu dùng:

- Ngày càng chú trọng đến các sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

- Các sản phẩm có kiểu dáng mới, hợp thời trang được người tiêu dùng chú trọng;

- Thức ăn và đồ uống chế biến sẵn, tiện dụng cho người tiêu dùng phát triển.

- Sản phẩm dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong đời sống dân cư.

3. Xu hướng phát triển thương mại:

- Thương mại điện tử phát triển, giá trị hàng hoá, dịch vụ lưu thông thông qua hệ thống thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn;

- Các loại hình thương mại hiện đại có khả năng thay thế chợ đang ngày càng phát triển, làm thay đổi tập quán mua sắm của dân cư;

- Các xu hướng trên có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển mạng lưới chợ. Tuy nhiên, đối với Bình Thuận, chợ tiếp tục có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, nhất là hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá ở khu vực nông thôn.

III. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHỢ ĐẾN NĂM 2010:

1. Quan điểm phát triển chợ:

- Nhận thức đầy đủ hơn vị trí và tầm quan trọng của chợ đối với việc thúc đẩy phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá trên địa bàn Tỉnh đến năm 2010, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch và có kế hoạch đầu tư phát triển chợ phù hợp;

- Phát triển chợ phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đồng thời phải đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội;

- Đầu tư phát triển chợ theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, theo mô hình lấy chợ nuôi chợ. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư chợ ở những khu vực khó khăn và khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh chợ;

- Phát triển chợ phải đi đôi với việc phát triển và đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng, đồng thời tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh chợ.

2. Định hướng phát triển chợ:

2.1. Định hướng phát triển mạng lưới chợ:

- Sắp xếp hợp lý những chợ hiện có, mở thêm chợ ở địa bàn cần thiết, ổn định hệ thống chợ theo qui hoạch; hạn chế đi đến chấm dứt tình trạng chợ tự phát;

- Tại các khu vực đô thị của Tỉnh, chợ là hạt nhân để thúc đẩy phát triển các khu thương mại tập trung, buôn bán, siêu thị, chợ chuyên doanh. Đối với các thị trấn, thị tứ, chợ cũng là hạt nhân để phát triển các cụm, tụ điểm thương mại. Đối với các khu vực nông thôn, chợ được phát triển trên cơ sở khuyến khích tăng số hộ kinh doanh và tăng thời gian mua bán tại chợ;

- Phát triển chợ có chú trọng đến quan hệ giữa các chợ bán buôn, phát luồng hàng với các chợ bán lẻ. Các chợ đầu mối được phát triển có quan hệ trực tiếp với các cơ sở chế biến trên địa bàn, hay các chủ vựa bán buôn lớn;

- Kết hợp phát triển chợ với các loại hình thương mại khác như siêu thị tổng hợp, trung tâm thương mại.

2.2. Định hướng phát triển loại hình chợ:

Từng bước hình thành các loại hình chợ như chợ chuyên doanh, chợ tổng hợp, chợ đầu mối, chợ du lịch...; trong đó:

- Đối với khu vực nông thôn vẫn tồn tại phổ biến loại hình chợ kinh doanh tổng hợp;

- Tại các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, các vùng nuôi trồng thuỷ sản và các cảng tập kết các tàu đánh bắt hải sản hình thành chợ đầu mối tiêu thụ nông sản, hải sản hàng hoá phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho hoạt động chế biến xuất khẩu, đồng thời cung ứng vật tư cho người sản xuất;

- Đối với khu vực thành thị khi có nhu cầu thực tế sẽ có xu hướng tách dần các ngành hàng kinh doanh trong chợ để hình thành các chợ chuyên doanh.

2.3. Định hướng cơ cấu ngành hàng và lực lượng kinh doanh trên chợ:

- Cơ cấu các ngành hàng kinh doanh chủ yếu ở chợ tổng hợp vẫn là hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống và dịch vụ ăn uống;

- Trên cơ sở nghiên cứu quá trình phát triển của chợ để hình thành và phát triển các khu phố kinh doanh quanh khu vực chợ, hoặc hình thành các chợ chuyên doanh đối với các ngành hàng trong chợ có sức phát triển mạnh do khả năng về cung ứng hay qui mô tiêu dùng phát triển nhanh;

- Số hộ kinh doanh cố định trên tất cả các chợ trong Tỉnh cần đảm bảo sự gia tăng cần thiết; trong đó, đối với các chợ xã phải đạt được qui mô tối thiểu từ 30 - 50 hộ kinh doanh cố định trên một chợ.

2.4. Định hướng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chợ:

- Chú trọng đến việc đầu tư cơ bản cho khu vực chợ đồng thời với xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ cho hoạt động của chợ;

- Ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng công trình các chợ đã quá tải; nâng cấp các chợ đã xuống cấp nặng và cho các chợ lều quán, chợ ngoài trời cần được đầu tư. Kiên quyết giải toả, di dời các chợ vi phạm lộ giới, không bảo đảm an toàn giao thông; giải toả các chợ nhóm họp tự phát;

- Ưu tiên đầu tư chợ trung tâm Tỉnh; chợ đầu mối nông sản, hải sản, chợ bán buôn, phát luồng hàng hoá; chợ khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa;

- Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ phải phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, khu vực. Diện tích bán hàng cần kết hợp giữa nhà lồng chợ với khu vực dành cho người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm tại chợ;

- Gắn đầu tư xây dựng chợ với việc thực hiện qui hoạch đô thị, dân cư và qui hoạch phát triển thương mại trên từng địa bàn cụ thể;

- Gắn qui mô đầu tư với khả năng khai thác và yêu cầu phát triển chợ ở tầm trung và dài hạn.

2.5. Định hướng về qui hoạch không gian kiến trúc chợ:

- Không gian kiến trúc chợ trên mặt bằng phải đảm bảo sự thuận tiện cho các hoạt động trong khu vực chợ;

- Có cấu trúc hợp lý và phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của từng loại chợ khác nhau. Cơ cấu diện tích và không gian chợ cần bảo đảm hài hoà giữa diện tích chính (diện tích bán hàng) với diện tích phụ (đường nội bộ trong chợ, bãi tập kết hàng hoá, bãi để xe, khu vệ sinh...).

2.6. Định hướng công tác tổ chức quản lý chợ:

- Phân biệt và tách quản lý nhà nước về chợ với quản lý kinh doanh khai thác chợ. Chuyển phương thức quản lý chợ mang tính chất hành chính kinh tế sang quản lý kinh doanh;

- Từng bước chuyển mô hình Ban Quản lý chợ, Tổ Quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hoặc công ty chợ phù hợp với phương thức quản lý kinh doanh, khai thác chợ.

IV. DỰ BÁO MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHỢ.

1. Dự báo dân số, thu nhập và sức mua dân cư:

- Dự báo dân số; tốc độ tăng dân số tự nhiên thời kỳ 2006 - 2010 là 1,22%. Với tốc độ tăng này, dân số trung bình toàn Tỉnh năm 2010 là 1.230.000 người.

- Dự báo thu nhập và sức mua dân cư: GDP bình quân đầu người đến 2010 đạt trên 800 USD (gấp hơn 2 lần so với năm 2005), tương đương trên 12.640.000 đồng Việt Nam. Với tỷ lệ bình quân giành cho mua sắm thời kỳ 2006 - 2010 ước khoảng 75% thì quỹ tiền mua sắm trong dân cư năm 2010 dự báo đạt 10.200 tỷ đồng.

2. Dự báo lực lượng kinh doanh tại chợ:

Căn cứ tốc độ phát triển số người bán trong chợ thời kỳ 2001 - 2005, dự báo đến năm 2010 tổng số hộ kinh doanh trong các chợ trên địa bàn toàn Tỉnh là 14.200 hộ; trong đó: Phan Thiết: 3.200 hộ; Tuy Phong: 1.900 hộ; Bắc Bình: 1.200 hộ; Hàm Thuận Bắc: 1.400 hộ; Hàm Thuận Nam: 850 hộ; Hàm Tân: 2.500 hộ; Đức Linh: 1.650 hộ; Tánh Linh: 1.320 hộ; Phú Quý: 180 hộ.

V. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHỢ ĐẾN NĂM 2010:

1. Căn cứ quy hoạch chợ và cơ sở tính toán chủ yếu:

1.1. Căn cứ Quy hoạch chợ:

- Hiện trạng mạng lưới chợ trên địa bàn Tỉnh;

- Dự báo tăng trưởng kinh tế, thu nhập và sức mua của dân cư;

- Các Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2010;

- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6161-1996 về PCCC chợ và Trung tâm thương mại, yêu cầu thiết kế; tiêu chuẩn ngành TCN 58-1997 về PCCC chợ và Trung tâm thương mại, yêu cầu an toàn trong khai thác;

- Tiêu chuẩn qui phạm khác có liên quan.

1.2 Cơ sở tính toán quy hoạch chợ :

- Dự báo số lượng người kinh doanh trong chợ (chỗ bán) trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 tăng khoảng 1,2 lần so với hiện nay;

- Diện tích kinh doanh trong chợ bình quân một hộ (tính cả hộ kinh doanh thường xuyên và không thường xuyên) từ 6 m2 đến 10 m2/hộ. Đối với chợ đầu mối, chợ bán buôn phát luồng trên 15 m2;

- Mật độ xây dựng (diện tích xây dựng công trình chợ/diện tích chiếm đất):

Chợ ở thành phố, thị xã: 60 - 70%; chợ trung tâm huyện khoảng 50%. chợ nông thôn 30-40%.

- Định mức kinh phí đầu tư xây dựng (suất đầu tư):

+ Đối với xây dựng chợ mới: Khu vực thành thị: 1.800.000 - 2.000.000 đ/m2; khu vực nông thôn: 1.200.000 - 1.600.000 đ/m2;

+ Đối với cải tạo, nâng cấp chợ: Tùy theo hiện trạng cụ thể từng chợ, bình quân khoảng 500.000 - 800.000 đ/m2 xây dựng.

Riêng đối với việc xây dựng mở rộng các công trình chợ, kinh phí xây dựng tương đương với xây dựng mới.

Ngoài ra, còn có kinh phí hỗ trợ việc di dời, giải tỏa áp dụng cho các chợ có xây dựng nhà chợ, có quầy hàng kinh doanh.

1.3. Phân kỳ đầu tư phát triển chợ:

Chia ra làm 2 thời kỳ: 2005 - 2007 và 2008 - 2010.

2. Qui hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2010:

2.1. Qui hoạch loại hình chợ:

- Chợ kinh doanh tổng hợp: Được phát triển theo qui mô, cấp độ hoạt động và phạm vi phục vụ của chợ;

- Chợ đầu mối: Chủ yếu hình thành các chợ đầu mối nông sản, hải sản theo yêu cầu phát triển các vùng sản xuất tập trung một số sản phẩm lợi thế của tỉnh trong giai đoạn đến 2010;

- Chợ du lịch: Chủ yếu phát triển dưới hình thức chợ ẩm thực, bán hàng phục vụ nhu cầu của khách du lịch ở các khu du lịch trọng điểm của Tỉnh;

- Chợ miền núi vùng cao phục vụ trực tiếp nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào dân tộc, miền núi.

Ngoài mạng lưới các loại hình chợ phổ biến trên, trong thời kỳ từ nay đến 2010, trên địa bàn Tỉnh hình thành các Trung tâm thương mại, siêu thị tại thành phố Phan Thiết và trung tâm một số huyện lỵ, khu du lịch.

2.2 Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn Tỉnh:

Định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn Tỉnh như sau:

- 120 chợ đang hoạt động được quy hoạch lại:

+ 27 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ, 4 chợ cần được mở rộng diện tích mặt bằng chợ, 32 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ;

+ 54 chợ giải tỏa để sắp xếp quy hoạch lại.

- Quy hoạch xây dựng mới:

+ 81 chợ kinh doanh tổng hợp các loại; trong đó: 42 chợ xây mới để sắp xếp thay thế các chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa, 39 chợ phát triển mới;

+ 02 chợ đầu mối hải sản và 02 chợ chuyên doanh hải sản; trong đó: 1 chợ thay thế chợ Cá Phan Thiết và 03 chợ phát triển mới ở Cảng Phú Quý (huyện Phú Quý), Cảng Lagi (huyện Hàm Tân), Cảng Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong);

+ 01 chợ đầu mối nông sản (Hàm Thuận Nam);

+ 05 Trung tâm thương mại ở: Phan Thiết, Mũi Né, Liên Hương, Phan Rí Cửa, La Gi.

Đến năm 2010, trên địa bàn Tỉnh có 147 chợ kinh doanh tổng hợp, 5 chợ đầu mối nông, hải sản và 5 Trung tâm thương mại (hoặc Siêu thị tổng hợp).

- Quy hoạch cụ thể trên từng địa bàn huyện, thành phố như sau:

2.2.1- Thành phố Phan Thiết:

- Tổng số chợ hiện có 18 chợ; trong đó: 01 chợ loại 1, 01 chợ loại 2, 16 chợ loại 3.

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 06 chợ; trong đó: 03 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ; 01 chợ cần mở rộng diện tích mặt bằng chợ; 02 chợ vừa cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ;

- Số chợ không phù hợp qui hoạch cần phải giải toả: 12 chợ.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 14 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó: Xây mới thay thế các chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa là 08 chợ, phát triển mới là 06 chợ; 01 chợ đầu mối hải sản thay thế chợ Cá Phan Thiết và 02 Trung tâm Thương mại.

Đến năm 2010, thành phố Phan Thiết có:

- 20 chợ kinh doanh tổng hợp; trong đó: 02 chợ loại 1, 04 chợ loại 2, 14 chợ loại 3;

- 01 chợ đầu mối hải sản;

- 02 Trung tâm thương mại.

Định hướng phát triển mới chợ tại thành phố Phan Thiết đến năm 2010: xem phụ lục 4.

2.2.2- Huyện Tuy Phong:

- Tổng số chợ hiện có 11 chợ; trong đó: 02 chợ loại 2 và 09 chợ loại 3.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 5.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 04 chợ; trong đó: 02 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ; 02 chợ cần mở rộng diện tích mặt bằng chợ;

- Số chợ không phù hợp qui hoạch cần phải xử lý giải toả: 07 chợ;

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 9 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó: Xây mới thay thế các chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa là 06 chợ, phát triển mới là 03 chợ; 01 chợ chuyên doanh hải sản và 02 Trung tâm Thương mại.

Đến năm 2010, toàn huyện Tuy Phong có:

- 13 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó: 02 chợ loại 2, 11 chợ loại 3;

- 01 chợ chuyên doanh hải sản;

- 02 Trung tâm thương mại.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Tuy Phong đến năm 2010: xem phụ lục 6.

2.2.3- Huyện Bắc Bình :

- Tổng số chợ hiện có 10 chợ, tất cả là chợ loại 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 07 chợ; trong đó: 04 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ; 03 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ;

- Số chợ không phù hợp qui hoạch cần phải xử lý giải tỏa: 03 chợ.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 7.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 14 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó: Xây mới thay thế các chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa là 03 chợ, phát triển mới 11 chợ.

Đến năm 2010, toàn huyện Bắc Bình có:

+ 21 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó 01 chợ loại 2, 20 chợ loại 3.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Bắc Bình đến năm 2010: xem phụ lục 8.

2.2.4- Huyện Hàm Thuận Bắc:

- Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: Tổng số chợ hiện có 24 chợ đang hoạt động và 01 chợ không hoạt động; trong đó: 01 chợ loại 2, 23 chợ loại 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 11 chợ, trong đó: 03 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ, 01 chợ cần mở rộng mặt bằng chợ, 07 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng mặt bằng chợ;

- Số chợ không phù hợp qui hoạch phải xử lý giải toả: 13 chợ.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 9.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 16 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó: xây mới thay thế các chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa 11 chợ, phát triển mới 05 chợ.

Đến năm 2010, toàn huyện Hàm Thuận Bắc có:

- 27 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó: 02 chợ loại 2, 26 chợ loại 3.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Hàm Thuận Bắc đến năm 2010: xem phụ lục 10.

2.2.5- Huyện Hàm Thuận Nam:

- Tổng số chợ hiện có: 14 chợ; trong đó: 01 chợ loại 2, 13 chợ loại 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 06 chợ; trong đó: 05 chợ cần được vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ.

- Số chợ phải xử lý giải toả: 8 chợ.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 11.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 08 chợ kinh doanh tổng hợp; trong đó: Xây mới thay thế các chợ không phù hợp phải giải tỏa là 05 chợ, phát triển mới 03 chợ, 01 chợ đầu mối nông sản.

Đến năm 2010, toàn huyện Hàm Thuận Nam có:

- 14 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó 01 chợ loại 2, 13 chợ loại 3;

- 01 chợ đầu mối nông sản.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Hàm Thuận Nam đến năm 2010: xem phụ lục 12.

2.2.6- Huyện Hàm Tân:

- Tổng số chợ hiện có: 19 chợ; trong đó: 03 chợ loại 2, 16 chợ loại 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 12 chợ; trong đó: 06 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ, 06 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ.

- Số chợ phải xử lý giải toả: 7 chợ.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 13.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 5 chợ kinh doanh tổng hợp để thay thế cho các chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa, 01 Trung tâm thương mại, 01 chợ chuyên doanh hải sản.

Đến năm 2010, toàn huyện Hàm Tân có:

- 17 chợ kinh doanh tổng hợp, trong đó 04 chợ loại 2, 13 chợ loại 3;

- 01 Trung tâm thương mại;

- 01 chợ chuyên doanh hải sản.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Hàm Tân đến năm 2010: xem phụ lục 14.

2.2.7- Huyện Đức Linh:

- Tổng số chợ hiện có: 12 chợ; trong đó: 01 chợ loại 2, 11 chợ loại 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 11 chợ; trong đó: 05 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ, 06 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ.

- Số chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa: 01 chợ.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 15.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 04 chợ kinh doanh tổng hợp; trong đó: Xây mới 01 chợ thay thế chợ Sùng nhơn không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa, phát triển mới 03 chợ.

Đến năm 2010, toàn huyện Đức Linh có:

- 15 chợ kinh doanh tổng hợp; trong đó: 02 chợ loại 2, 13 chợ loại 3.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Đức Linh đến năm 2010: xem phụ lục 16.

2.2.8- Huyện Tánh Linh :

- Tổng số chợ hiện có: 08 chợ; trong đó: 01 chợ loại 2, 07 chợ loại 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 07 chợ; trong đó: 03 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ, 02 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ;

- Số chợ phải xử lý giải tỏa: 01 chợ.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 17.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 09 chợ kinh doanh tổng hợp; trong đó: 01 chợ xây mới thay thế chợ Huy Khiêm không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa, 08 chợ phát triển mới.

Đến năm 2010, toàn huyện Tánh Linh có 16 chợ kinh doanh tổng hợp; trong đó: 01 chợ loại 2, 15 chợ loại 3.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Tánh Linh đến năm 2010: xem phụ lục 18.

2.2.9- Huyện đảo Phú Quý:

- Tổng số chợ hiện có: 04 chợ, tất cả là chợ loại 3.

- Số chợ phù hợp qui hoạch là 02 chợ; trong đó: 01 chợ cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ, 01 chợ vừa đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình chợ trên nền chợ cũ vừa mở rộng diện tích mặt bằng chợ;

- Số chợ phải xử lý giải tỏa: 02 chợ.

Hiện trạng và định hướng qui hoạch các chợ hiện có: xem phụ lục 19.

- Định hướng phát triển mới đến năm 2010: Xây dựng mới 02 chợ kinh doanh tổng hợp để thay thế 02 chợ không phù hợp qui hoạch phải giải tỏa và 01 chợ đầu mối hải sản, cụ thể như sau:

Đến năm 2010, toàn huyện Phú Quý có 04 chợ kinh doanh tổng hợp với quy mô chợ loại 3 và 01 chợ đầu mối hải sản.

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Tánh Linh đến năm 2010: xem phụ lục 20.

3. Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ tỉnh Bình Thuận đến năm 2010:

- Căn cứ qui định về bố trí các công trình trong phạm vi chợ theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ, đất sử dụng cho hoạt động của chợ toàn Tỉnh được xử lý, quy hoạch sử dụng như sau:

+ Mặt bằng các chợ hiện trạng phù hợp quy hoạch được mở rộng (đối với các chợ có điều kiện mở rộng mặt bằng) để có diện tích mặt bằng tối thiểu là 600 m2 đủ để bố trí các công trình chợ cần thiết như nhà lồng chợ, bãi giữ xe, khu vệ sinh công cộng, khu tập trung rác ....;

+ Mặt bằng các chợ mới được quy hoạch đủ để bố trí các công trình chợ qui định tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ như: Nhà lồng chợ, hệ thống cấp, thoát nước, khu để xe, khu vệ sinh công cộng, khu tập trung rác...; riêng đối với chợ loại 1, loại 2 và chợ đầu mối chuyên doanh có bố trí thêm khu kho bảo quản, cất giữ hàng hoá phù hợp với qui mô và tính chất chợ;

+ Trong điều kiện ở Bình Thuận, đất đai có thể bố trí được nhưng vốn dành cho đầu tư phát triển chợ rất hạn chế nhất là khu vực nông thôn, miền núi; do vậy, diện tích đất chợ ở khu vực này được định hướng quy hoạch bao gồm cả diện tích khu phố chợ được dùng để đấu thầu cho thuê dài hạn tạo vốn đầu tư hạ tầng (hệ thống điện, cấp thoát nước, đường giao thông đến chợ...) phục vụ cho hoạt động của chợ.

- Căn cứ hiện trạng và định hướng quy hoạch phát triển chợ các loại và Trung tâm thương mại, siêu thị toàn Tỉnh đến năm 2010, nhu cầu đất sử dụng cho mục tiêu phát triển mạng lưới chợ ở từng địa bàn được thể hiện trong phụ lục 21.

Tổng diện tích đất các chợ hiện có trên địa bàn toàn Tỉnh là 254.328 m2; trong đó: Diện tích đất chợ phù hợp quy hoạch là 215.094 m2, diện tích đất các chợ không phù hợp quy hoạch được xử lý giải tỏa và chuyển mục đích sử dụng đất là 39.234 m2. Diện tích đất để thực hiện quy hoạch phát triển chợ đến 2010 là 624.924 m2; trong đó: Dành cho việc mở rộng một số chợ hiện trạng là 70.824 m2, dành cho xây mới các loại chợ và Trung tâm thương mại là 554.100 m2.

Tổng diện tích đất các loại chợ và Trung tâm thương mại toàn Tỉnh đến năm 2010 là 840.018 m2.

4. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới chợ tỉnh Bình Thuận đến năm 2010:

4.1. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư phát triển chợ:

Trên cơ sở dự kiến qui hoạch mạng lưới chợ gồm cả việc đầu tư xây dựng các loại hình chợ mới, cũng như yêu cầu đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng diện tích công trình các chợ hiện có trên địa bàn toàn Tỉnh, vốn đầu tư cụ thể như sau:

+ Vốn đầu tư nâng cấp 28.745 m2 công trình chợ: 17,750 tỷ đồng;

+ Vốn đầu tư mở rộng 28.590 m2 công trình chợ: 47,120 tỷ đồng;

+ Kinh phí giải toả chợ không phù hợp quy hoạch: 2,535 tỷ đồng;

+ Vốn đầu tư xây dựng mới 141.500 m2 công trình chợ: 255,000 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư phát triển chợ toàn Tỉnh đến 2010 là 322,405 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư ở giai đoạn 2005 - 2007 là 173,405 tỷ đồng và giai đoạn 2008 - 2010 là 149 tỷ đồng. Cụ thể xem phụ lục 22.

4.2- Nguồn vốn đầu tư:

Tổng số vốn đầu tư phát triển chợ (bao gồm: Vốn đầu tư xây dựng các loại hình chợ mới và vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các chợ hiện có) của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 là tương đối lớn, trong khi nguồn vốn từ Ngân sách địa phương dành cho việc phát triển hạ tầng thương mại nói chung và hệ thống chợ nói riêng rất hạn chế và chỉ áp dụng cho một số chợ theo qui định của Nghị định 02/2003/NĐ-CP Do vậy, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển chợ ở Bình Thuận cần phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau; trong đó: nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng đối với chợ đầu mối chuyên ngành nông sản thực phẩm để tiêu thụ hàng hoá ở các vùng sản xuất tập trung về nông, lâm thuỷ sản; chợ ở các cụm xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thuộc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, định canh định cư của Nhà nước; chợ loại 1 theo quy hoạch ở vị trí trọng điểm về kinh tế thương mại của Tỉnh và hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án xây dựng chợ. Còn các loại chợ khác cần huy động nguồn vốn rộng rãi từ các thành phần kinh tế khác.

Trong từng trường hợp cụ thể Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, cụ thể được thể hiện trong phụ lục 23.

5. Yêu cầu về cấu trúc chính của một số loại chợ quy hoạch.

5.1. Chợ kinh doanh tổng hợp:

- Bố trí hợp lý các khu vực kinh doanh theo ngành hàng theo số hộ kinh doanh, tính chất hàng hóa, yêu cầu, bảo vệ, bảo quản và sự liên quan của các sản phẩm theo thói quen mua sắm của người tiêu dùng;

- Bố trí các khu vực kinh doanh phù hợp với đối tượng tham gia bán hàng trên chợ (khu vực bán hàng cố định, thường xuyên khu vực người sản xuất tự bán sản phẩm của mình … );

- Diện tích kinh doanh cố định của một hộ phải tương xứng hàng hóa đảm bảo yêu cầu trưng bày, dự trữ và lưu thông hàng hoá;

- Bố trí hệ thống lưu thông nội bộ trong chợ hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia mua bán tại chợ, kể cả ở vào giờ cao điểm khi lượng người và hàng hoá đến chợ đông nhất;

- Đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.

5.2 Chợ đầu mối nông, hải sản:

- Đảm bảo yêu cầu thuận tiện về giao thông liên vùng, liên khu vực và có đủ diện tích bãi đỗ các phương tiện vận tải;

- Có hệ thống kho được trang bị kỹ thuật bảo quản phù hợp, đáp ứng nhu cầu tồn trữ, bảo quản hàng hóa của các đối tượng kinh doanh;

- Có hệ thống dịch vụ thông tin thị trường, giá cả;

- Có hệ thống dịch vụ kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm;

- Có khu vực dành cho việc phân loại, sơ chế sản phẩm và đóng gói trước khi vận chuyển;

- Có khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm phục vụ cho nhu cầu giao dịch thương mại;

- Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

5.3 Chợ du lịch:

Nghiên cứu xây dựng thí điểm chợ du lịch tại tụ điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh là khu vực Mũi Né. Đây là loại chợ mới nên cần có quá trình tham khảo mô hình, chuẩn bị các điều kiện và nội dung hoạt động dưới hình thức chợ ẩm thực, hay chợ đặc sản.

6/ Mô hình tổ chức và nhiệm vụ quản lý chợ quy hoạch:

Căn cứ Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ, chủ thể kinh doanh khai thác và quản lý chợ có thể là Ban quản lý chợ (tổ chức mang tính chất quá độ, mô hình tổ chức quản lý áp dụng theo Thông tư hướng dẫn số 06/2003/TT-BTM của Bộ Thương mại), doanh nghiệp, công ty cổ phần, hợp tác xã (HTX thương mại, dịch vụ), tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Chức năng, nhiệm vụ quản lý chợ thực hiện như sau:

- Tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ;

- Bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn thực phẩm trong phạm vi chợ;

- Xây dựng Nội Quy chợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện;

- Bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với yêu cầu của thương nhân kinh doanh tại chợ;

- Ký hợp đồng với các thương nhân về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thông tin kinh tế, phổ biến chính sách, quy định của pháp luật và nghĩa vụ đối với nhà nước của thương nhân kinh doanh tại chợ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng;

- Tổng hợp tình hình hoạt động của chợ và báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý nhà nước theo qui định.

VI. LỘ TRÌNH, THỨ TỰ ƯU TIÊN QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010:

1/ Giai đoạn 2005 - 2007:

- Rà soát, lập kế hoạch để thực hiện việc giải toả, di dời, sắp xếp lại các chợ không phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển chợ và không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, các chợ hiện đang gây trở ngại giao thông, trọng tâm là các chợ ở thành phố Phan Thiết và các trung tâm huyện lỵ. Triển khai nâng cấp, mở rộng các chợ phù hợp quy hoạch có mặt bằng nhưng chưa có công trình chợ và một số chợ đã xuống cấp nặng, đang quá tải.

- Lập dự án đầu tư, gọi vốn đầu tư xây dựng chợ mới. Tập trung đầu tư xây dựng các chợ đầu mối chuyên doanh nông sản, hải sản và các chợ trung tâm khu vực;

- Triển khai đầu tư hệ thống chợ Trung tâm cụm xã trên địa bàn các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2/ Giai đoạn 2008 – 2010:

- Triển khai đầu tư và phát triển đồng bộ hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống chợ khu vực nông thôn và vùng sản xuất tập trung;

- Tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, mở rộng, cải tạo, chỉnh trang các chợ bảo đảm yêu cầu hoạt động trong điều kiện mới.

Phần III

CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

I. CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ.

Để có đủ vốn đầu tư phát triển chợ toàn Tỉnh, ngoài nguồn vốn từ Ngân sách hỗ trợ của trung ương, Ngân sách địa phương cần tăng cường xã hội hoá đầu tư, khuyến khích huy động vốn đầu tư xây dựng chợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và nguồn vốn vay tín dụng với chính sách và giải pháp cụ thể là:

1. Đối với nguồn vốn ngân sách:

Ngân sách Tỉnh sẽ xem xét cân đối trong dự toán chi hàng năm và dài hạn giành cho đầu tư xây dựng các chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư để đảm bảo khả năng đầu tư ổn định và lâu dài.

Các hình thức đầu tư nguồn vốn từ ngân sách cho phát triển chợ được thực hiện như sau:

- Đầu tư trực tiếp: Nhà nước (cụ thể là UBND các cấp) tổ chức thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách các cấp cho phát triển chợ đối với một số chợ có vai trò quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương;

- Hỗ trợ đầu tư ban đầu: Để thực hiện chính sách thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển chợ, đối với các dự án đầu tư phát triển chợ phù hợp qui hoạch do các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế tự bỏ vốn đầu tư thì ngân sách các cấp sẽ đảm bảo hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc đến tận hàng rào dự án đầu tư được chấp thuận.

2. Đối với nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tự đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng và phát triển chợ sẽ được áp dụng các chính sách và biện pháp sau:

- Áp dụng các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển chợ đối với mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế như chính sách đất đai, chính sách lãi suất tín dụng, chính sách thuế (Theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước);

- Nghiên cứu thực hiện giải pháp tạo vốn từ quỹ đất để hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng các chợ: Ở các địa bàn mà quỹ đất cho phép, có thể dành quỹ đất thỏa đáng để phát triển chợ; quỹ đất này một phần cấp cho dự án đầu tư xây dựng các công trình chợ, một phần dùng đấu thầu tạo vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chợ hoặc xây dựng các khu phố chợ gắn liền với chợ;

- Đối với các chợ trọng điểm, chính quyền (UBND cấp tỉnh, huyện, thành phố) có thể đứng ra làm chủ đầu tư để đảm bảo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội;

- Để tăng cường khả năng huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển chợ trên địa bàn Tỉnh, các Sở, Ngành liên quan nghiên cứu tham mưu UBND Tỉnh ban hành một số chủ trương, chính sách thích hợp nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư xây dựng chợ một cách thuận tiện. Cụ thể:

Cấp phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh khai thác chợ. Các doanh nghiệp này được phép qui định giá cho thuê diện tích kinh doanh, các loại phí dịch vụ dựa trên khung giá qui định của Nhà nước (Trung ương và địa phương).

Bên cạnh đó, trong những năm tới cần thực hiện chính sách phát triển thương nhân tham gia kinh doanh trên chợ, theo hướng:

Một là, chủ đầu tư xây dựng chợ thuộc các thành phần kinh tế được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư dành cho ngành nghề thuộc khoản 5 mục II Danh mục A (đầu tư xây dựng các khu thương mại, siêu thị), được qui định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về Qui định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

Hai là, chủ đầu tư xây dựng chợ được quyền:

- Huy động vốn để xây dựng chợ trên cơ sở thoả thuận với thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ và các nguồn vốn khác của nhân dân đóng góp theo qui định của pháp luật và hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền;

- Sử dụng quyền sử dụng đất và các công trình trong phạm vi chợ thuộc quyền sử dụng của mình để thế chấp vay vốn tín dụng ngân hàng theo qui định hiện hành để đầu tư sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp chợ;

- Được áp dụng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các hộ tư thương tham gia kinh doanh trên chợ.

Ba là, chính sách về giá thuê diện tích kinh doanh: UBND cấp tỉnh hay huyện, thành phố chỉ qui định khung giá cho thuê phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của các hộ kinh doanh. Các đơn vị quản lý chợ dựa vào khung giá qui định đó để xác định mức giá hợp lý, phù hợp với đặc điểm của từng chợ, đảm bảo thu hút được các hộ đến tham gia kinh doanh trên chợ. Đồng thời, mức giá này có thể được điều chỉnh linh hoạt theo thời vụ kinh doanh, theo hiệu quả kinh doanh.

Bốn là, có thể tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa các hộ kinh doanh và tổ chức kinh doanh chợ bằng việc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, mang tính cộng đồng.

II. CƠ CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CƠ SỞ VẬT CHẤT CHỢ:

Cơ chế quản lý, khai thác cơ sở vật chất chợ được đổi mới và hoàn thiện phù hợp với xu hướng đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế ở nước ta. Theo đó:

1. Mục tiêu của cơ chế quản lý, khai thác cơ sở vật chất chợ là không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất chợ đối với việc phát triển hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn và nâng cao trình độ văn minh thương nghiệp ở chợ.

2. Quản lý, khai thác cơ sở vật chất chợ không chỉ tính đến các khoản thu do những tài sản hữu hình mang lại, mà còn phải tính đến khả năng tạo ra nguồn thu khác do sự hiện diện của chợ trên địa bàn. Đồng thời, chính sách quản lý, khai thác các tài sản hữu hình trên chợ được xác định chủ yếu theo hướng hỗ trợ việc phát triển hoạt động kinh doanh trên chợ, nâng cao trình độ văn minh thương nghiệp chợ hơn là theo hướng tăng thu từ việc khai thác cơ sở vật chất chợ.

3. Về phương thức: Nhà nước (cấp tỉnh, huyện) xác định khoản thu thuế trên chợ và yêu cầu tăng qui mô (không phải là tăng mức thuế trên hộ kinh doanh) của khoản thu thuế đó chính là lợi ích kinh tế trực tiếp từ các khoản đầu tư do Ngân sách Nhà nước mang lại.

4. Các cơ quan quản lý Nhà nước không trực tiếp quản lý, kinh doanh khai thác cơ sở vật chất chợ mà giao cho các tổ chức quản lý kinh doanh chợ

Đối với chợ đang hoạt động do Ban quản lý chợ điều hành, từng bước chuyển sang thực hiện theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

III. HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ KINH DOANH CHỢ:

- Mục tiêu quản lý nhà nước về chợ là nhằm phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn Tỉnh một cách hài hoà, hợp lý góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh. Quản lý nhà nước về chợ được phân cấp quản lý theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ với các nhiệm vụ chủ yếu là:

+ Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển chợ từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương;

+ Ban hành các chính sách về đầu tư, xây dựng; cơ chế quản lý kinh doanh khai thác chợ;

+ Hoàn thiện cơ chế quản lý các chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng theo qui định về phân cấp quản lý;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn các Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ về chính sách, nghiệp vụ quản lý chợ. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cấp quản lý chợ, ban quản lý chợ và các thương nhân, đảm bảo chợ hoạt động có hiệu quả;

+ Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước cho thương nhân và ngưòi tiêu dùng trong phạm vi chợ. Tổ chức kiểm tra, khen thưởng và xử lý các vi phạm về hoạt động chợ;

- Hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về chợ và quản lý kinh doanh chợ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt mục tiêu phát triển chợ, cần áp dụng các biện pháp sau:

+ Bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về chợ và quản lý kinh doanh chợ những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực công tác;

+ Cần tiêu chuẩn hoá và thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý chợ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về chợ và quản lý kinh doanh khai thác chợ trong giai đoạn tới.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2010.

Nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đối với việc triển khai thực hiện Qui hoạch phát triển chợ như sau:

1. Đối với Sở Thương mại :

Là cơ quan thường trực giúp UBND Tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Qui hoạch, bao gồm các nhiệm vụ sau:

- Công khai Qui hoạch sau khi được UBND Tỉnh phê duyệt;

- Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển chợ của Tỉnh đến năm 2010 thực hiện Quyết định 559/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

- Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Quản lý chợ;

- Tham mưu UBND Tỉnh ban hành Quy chế đấu thầu quản lý, khai thác, kinh doanh chợ;

- Lập phương án và kế hoạch chuyển giao các chợ sang các doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ;

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chợ cho cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý nhà nước về chợ và quản lý kinh doanh khai thác chợ;

- Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án chợ trung tâm, chợ trọng điểm và chợ đầu mối được UBND Tỉnh giao.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh ban hành chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển chợ trên địa bàn Bình Thuận;

- Tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh theo Qui hoạch.

3. Đối với Sở Tài chính :

Tham mưu UBND Tỉnh hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính áp dụng cho Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ. Tham mưu UBND Tỉnh ban hành khung giá hay mức phí cho thuê, bán diện tích kinh doanh trên chợ và các qui định khác về tổ chức các dịch vụ có thu trên chợ theo hướng tạo chủ động cho các doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ, góp phần phát triển hoạt động kinh doanh trên chợ.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Cùng với Sở Thương mại, các huyện, thành phố xác lập quỹ đất và bản đồ qui hoạch sử dụng đất để phát triển mạng lưới chợ và các công trình thương mại theo Qui hoạch. Hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh môi trường ở chợ.

5. Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn tiêu chuẩn, mô hình xây dựng chợ đô thị, nông thôn cho các chủ đầu tư xây dựng chợ; đảm bảo các yêu cầu mỹ quan, kiến trúc và chất lượng công trình;

- Kiểm tra công tác xây dựng các chợ trên địa bàn, tập trung ở các chợ có quy mô đầu tư lớn.

6. Sở Giao thông - Vận tải:

- Hướng dẫn các Sở, ngành, huyện, thành phố, chủ đầu tư dự án chợ thực hiện đúng các quy định về lộ giới;

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện việc giải tỏa các chợ vi phạm lộ giới, ảnh hưởng đến an toàn giao thông; không phù hợp với quy hoạch của Tỉnh.

7. Công an Tỉnh (Phòng cảnh sát PCCC):

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mặt phòng cháy chữa cháy theo qui định, thẩm duyệt PCCC các dự án thiết kế chợ và trung tâm thương mại thuộc danh mục phải thẩm duyệt; đồng thời quản lý về mặt PCCC tất cả các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn Tỉnh trong quá trình khai thác, sử dụng.

8. UBND các huyện, thành phố:

Phối hợp với Sở Thương mại và các Sở, ngành liên quan trong quá trình triển khai công tác đầu tư phát triển chợ ở địa phương mình theo Qui hoạch. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chợ theo phân cấp./.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

 

Phụ lục 1:

Tình hình phân bổ mạng lưới chợ tỉnh Bình Thuận.

Địa bàn

Số chợ hiện có

Bình quân chợ/xã phường

Phạm vi phục vụ bình quân của 1 chợ

Diện tích

(km2)

Bán kính (km)

Số dân (người)

Thành phố Phan Thiết

18

18/18 = 1,00

11,44

1,90

11.224

Huyện Tuy Phong

11

11/12 = 0,92

72,27

4,79

11.942

Huyện Bắc Bình

10

10/18 = 0.56

182,50

7,62

11.836

Huyện Hàm Thuận Bắc

24

25/17 = 1,41

53,46

4,12

6.516

Huyện Hàm Thuận Nam

14

14/13 = 1,08

75,14

4,89

6.506

Huyện Hàm Tân

19

19/14 = 1,35

49,58

3,97

8.913

Huyện Đức Linh

12

12/13 = 0,92

44,58

3,76

11.048

Huyện Tánh Linh

8

8/14 = 0,57

146,75

6,83

12.332

Huyện Phú Quý

4

4/3 = 1,33

4,00

1,12

5.648

Toàn tỉnh

120

120/122 = 0,98

65,23

4,55

9.356

 

Phụ lục 2:

Cơ sở vật chất chợ hiện có phân theo địa bàn huyện, thành phố.

Địa bàn

Số chợ hiện có

Diện tích đất chợ (m2)

Diện tích xây dựng chợ (m2)

Tổng diện tích

Bình quân/1chợ

Tổng diện tích

Bình quân/1chợ

Thành phố Phan Thiết

18

26.710

1.483,89

16.026

890,33

 Huyện Tuy Phong

11

35.443

3.222,09

18.002

1.800,20

Huyện Bắc Bình

10

13.268

1.326,80

9.875

987,50

Huyện Hàm Thuận Bắc

24

20.804

866,83

11.728

837,71

 Huyện Hàm Thuận Nam

14

25.494

1.821,00

9.280

843,64

 Huyện Hàm Tân

19

37.519

1.974,68

5.456

779,43

 Huyện Đức Linh

12

52.238

4.353,17

11.079

1.107,90

 Huyện Tánh Linh

8

29.249

3.656,13

12.384

1.548,00

 Huyện Phú Quý

4

13.603

3.400,75

1.134

283,50

Toàn Tỉnh

120

254.328

2.118

94.963

1.010

(Ghi chú: Diện tích xây dựng bình quân chỉ tính số chợ có diện tích xây dựng).

 

Phụ lục 3:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại Tp.Phan Thiết.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý thêm

Chợ không phù hợp QH cần giải toả

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ QH

1

Chợ Trung tâm

01- Nguyễn Du, Phan Thiết

1

x

 

1

 

 

2

Chợ cá Phan Thiết

Cảng Phan Thiết

3

 

 

-

x

Qui hoạch chung với chợ đầu mối hải sản.

3

Chợ Gò

Khu phố 8, Phú Trinh

3

 

 

-

x

 

4

Chợ Phường

Đường Lê Hồng Phong, Phú Trinh

3

 

 

-

x

Sát đường giao thông, vị trí không phù hợp.

5

Chợ Đồn

Đường Nguyễn Hội, Phú Trinh

3

 

 

-

x

Sát đường giao thông, vị trí không phù hợp.

6

Chợ Hưng Long

Đường Võ Thị Sáu, Hưng Long

3

 

 

-

x

 

7

Chợ Mũi Né

Khu phố 5, Mũi Né

3

x

 

2

 

 

8

Chợ Thạch Long

Mũi Né

3

x

 

3

 

 

9

Chợ Phú Thủy

Khu phố 7, Phú Thuỷ

2

x

x

2

 

 

10

Chợ Đức Long

Khu phố 5 , Đức Long

3

 

 

-

x

Chợ quá tải, vị trí không phù hợp.

11

Chợ Phú Hải

Khu phố 2, Phú Hài

3

 

 

-

x

Chợ quá tải, vị trí không phù hợp.

12

Chợ Thanh Hải

Khu phố A, Thanh Hải

3

 

 

-

x

Chợ sát cầu và đường giao thông, vị trí không phù hợp.

13

Chợ Bình Hưng

Khu phố 6. Bình Hưng

3

 

 

-

x

Chợ hè phố, vị trí không phù hợp.

14

Chợ Hàm Tiến

Xã Hàm Tiến

3

x

x

3

 

Nâng cấp, mở rộng phục vụ nhu cầu dân cư địa phương và khách du lịch.

15

Chợ Văn Thánh

Phường Phú Tài

3

 

 

-

x

Vị trí không phù hợp.

16

Chợ Thiện Sơn

Thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp

3

 

 

-

x

 

17

Chợ Thiện Hòa

Thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp

3

 

x

3

 

Qui hoạch thành chợ thôn

18

Chợ Tiến Hưng

Thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi

3

 

 

-

x

Chợ tự phát, vị trí không phù hợp.

 

Phụ lục 4:

Định hướng phát triển mới chợ tại Tp. Phan Thiết đến năm 2010.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ

Ghi chú

1

Chợ Bình Hưng -Hưng Long

Phía sau công ty In và Bao bì, thuộc phường Bình Hưng

3

Thay thế chợ Bình Hưng, Chợ Hưng.Long cũ

2

Chợ Nam Phan Thiết

Khu Bến xe Nam Phan Thiết

2

Thay thế chợ Đức Long cũ

3

Chợ Phú Trinh

Đường Lê Duẫn, Phú Trinh

2

Thay thế chợ Phường, chợ Đồn, chợ Gò cũ

4

Chợ Xuân An

Ngã ba Xuân Lãnh, Xuân An

3

Phát triển mới, khu đất đối diện Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Bình Thuận

5

Chợ Tiến Thành

Trung tâm xã Tiến Thành

3

Phát triển mới

6

Chợ Thanh Hải 1

Phía sau UBND phường Thanh Hải

3

Thay thế chợ Thanh Hải cũ.

7

Chợ Thanh Hải 2

Khu dân cư A-E, Thanh Hải

3

Phát triển mới

8

Chợ Phú Hài

Bên trong chợ Phú Hài cũ

3

Thay thế chợ Phú Hài cũ.

9

Chợ Phú Tài

Vị trí thuộc phường Phú Trinh

3

Thay thế chợ Văn Thánh cũ.

10

Chợ Phong Nẫm

Khu đất đối diện UBND Xã Phong Nẫm

3

Phát triển mới

11

Chợ Tiến Lợi

Khu dân cư Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi

3

Thay thế chợ Tiến Hưng cũ

12

Chợ Long Sơn - Suối nước

Khu dân cư Long Sơn - Sước Nước

3

Phát triển mới

13

Chợ Thiện Nghiệp

Thôn Thiện An, xã Thiện Nghiệp

3

Chợ trung tâm xã, thay thế chợ Thiện Sơn cũ.

14

Chợ Bắc Phan Thiết

Phường Phú Thuỷ, Phan Thiết

1

Phát triển mới - Kinh doanh tổng hợp.

15

Chợ đầu mối hải sản Phan Thiết

Trong Cảng Phan Thiết

Chợ đầu mối

Thay thế chợ Cá Phan Thiết cũ.

16

Trung tâm Thương mại, dịch vụ Phan Thiết

Phường Bình Hưng

Trung tâm thương mại

Phát triển mới

17

Trung tâm Thương mại Mũi Né

Phường Mũi Né

Trung tâm thương mại

Phát triển mới

 

Phụ lục 5:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Tuy Phong.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý thêm

Chợ không phù hợp QH cần giải toả

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ QH

1

Chợ Liên Hương

Thị trấn Liên Hương

2

 

x

2

 

Đầu tư giai đoạn 2

2

Chợ Phan Rí Cửa

Thị trấn Phan Rí Cửa

2

 

x

2

 

Cần mở rộng mặt bằng chợ.

3

Chợ Vĩnh Hảo

Xã Vĩnh Hảo

3

 

 

-

x

Vị trí không phù hợp quy hoạch chung

4

Chợ Ga Tuy Tịnh

Tuy Tịnh 2, Phong Phú

3

x

 

3

 

 

5

Chợ Lạc Trị

Thôn Lạc Trị, Phú Lạc

3

 

 

-

x

DT nhỏ, vị trí không phù hợp

6

Chợ Phú Điền

Thôn Phú Điền, Phú Lạc

3

 

 

-

x

Mặt bằng nhỏ, vị trí không phù hợp

7

Chợ Phước Thể

Xóm 2 - xã Phước Thể

3

 

 

-

x

Vị trí không phù hợp quy hoạch chung

8

Chợ Bình Thạnh

Xã Bình Thạnh

3

x

 

3

 

 

9

Chợ Thượng Văn

Xã Chí Công

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp.

10

Chợ Lâm Lộc

Thôn Lâm Lộc, H.Minh

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp.

11

Chợ Hòa Phú

 Xã Hoà Phú

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp.

 

Phụ lục 6:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Tuy Phong đến năm 2010.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

1

Chợ Phú Lạc

Trung tâm xã, cách UBND xã Phú Lạc 200 m

3

Chợ trung tâm xã, thay thế chợ Lạc Trị và chợ Phú Điền cũ

2

Chợ xã Phong Phú

Trung tâm xã Phong Phú

3

Phát triển mới

3

Chợ Phan Dũng

Trung tâm xã Phan Dũng

3

Phát triển mới

4

Chợ Vĩnh Tân

Thôn 7, Vĩnh Tân

3

Phát triển mới

5

Chợ Vĩnh Hảo mới

Trung tâm xã Vĩnh Hảo

3

Thay thế chợ Vĩnh Hảo cũ

6

Chợ Phước Thể

Trung tâm xã Phước Thể

3

Thay thế chợ Phước Thể cũ

7

Chợ Chí Công

Khu quy hoạch trung tâm xã

3

Thay thế chợ Thượng Văn cũ

8

Chợ Hoà Minh

Trung tâm xã Hoà Minh

3

Thay thế chợ Lâm Lộc cũ

9

Chợ Hoà Phú

Khu quy hoạch dân cư trung tâm xã Hòa Phú

3

Thay thế chợ Hòa Phú cũ.

10

Chợ Cá Phan Rí Cửa

Trong Cảng Phan Rí Cửa

Chợ chuyên doanh

Phát triển mới

11

Trung tâm Thương mại Liên Hương

Ngã bảy, Thị trấn Liên Hương

Trung tâm thương mại

Phát triển mới

12

Trung tâm Thương mại Phan Rí Cửa

Thị trấn Phan Rí Cửa

Trung tâm thương mại

Phát triển mới

 

Phụ lục 7:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Bắc Bình.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch

cần xử lý thêm

Chợ không phù hợp QH cần giải tỏa

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ quy hoạch

1

Chợ Chợ Lầu

Khu phố Xuân An 1, TT Chợ Lầu

3

x

 

3

 

 

2

Chợ Lương Sơn

Thôn Lương Nam, xã Lương Sơn

3

x

 

3

 

 

3

Chợ Thái Hiệp

Thôn Thái Hiệp, xã Hồng Thái

3

x

x

3

 

 

4

Chợ Thái Thành

Thôn Thái Thành, xã Hồng Thái

3

x

x

3

 

 

5

Chợ Phan Rí Thành

Thôn BìnhThủy, xã Phan Rí Thành

3

x

 

3

 

 

6

Chợ Hải Ninh 1

Thôn Hải Thủy

3

x

 

3

 

Chợ Sông Mao cũ

7

Chợ Hải Ninh 2

Thôn Hải Lạc

3

x

x

3

 

Chợ Sông Mao mới

8

Chợ Bình Tân

Thôn Bình Sơn, xã Bình Tân

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp.

9

Chợ Sông Lũy

Thôn 2

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp.

10

Chợ Mai Lãnh

Thôn Mai Lãnh, xã Phan Thanh

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp.

 

Phụ lục 8:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Bắc Bình đến năm 2010.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

1

Chợ huyện Bắc Bình

Khu phố Xuân An 2, TT Chợ Lầu

2

Phát triển mới

2

Chợ thôn Mai Lãnh

Thôn Mai Lãnh, xã Phan Thanh

3

Thay thế chợ Mai Lãnh cũ

3

Chợ Phan Thanh

Thôn Bình Mỹ, Phan Thanh

3

Phát triển mới

4

Chợ Phan Tiến

Khu trung tâm xã Phan Tiến

3

Phát triển mới

5

Chợ Sông Luỹ

Thôn 2, Sông Luỹ

3

Thay thế chợ Sông Luỹ cũ

6

Chợ Bình Tân

Khu trung tâm xã Bình Tân

3

Thay thế chợ Bàu Ốc cũ

7

Chợ Hoà Thắng

Khu trung tâm xã Hoà Thắng

3

Phát triển mới

8

Chợ Hồng Phong

Hồng Thịnh, Hồng Phong

3

Phát triển mới

9

Chợ Phan Hoà

Bình Thắng, Phan Hoà

3

Phát triển mới

10

Chợ Bình An

Khu trung tâm xã Bình An

3

Phát triển mới

11

Chợ Phan Điền

Khu qui hoạch trung tâm xã

3

Phát triển mới

12

Chợ Phan Lâm

Khu qui hoạch trung tâm xã

3

Phát triển mới

13

Chợ Phan Sơn

Khu qui hoạch trung tâm xã

3

Phát triển mới

14

Chợ Sông Bình

Khu qui hoạch trung tâm xã

3

Phát triển mới

 

Phụ lục 9:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Hàm Thuận Bắc.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý

Chợ không phù hợp QH cần giải tỏa

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ quy hoạch

1

 Chợ Ma Lâm

Thôn 1, thị trấn Ma Lâm

2

x

x

2

 

Đầu tư xây dựng giai đoạn II mở rộng thêm diện tích

2

 Chợ Tầm Hưng

Khu phố 2, thị trấn Ma Lâm

3

 

 

 

x

Chợ có quy mô nhỏ hẹp, vị trí không phù hợp

3

 Chợ Phú Long

Thị trấn Phú Long

3

 

 

-

x

Chợ sát chân cầu và đường QL IA, QH di dời chợ

4

 Chợ Phú Xuân

 Khu phố Phú Xuân, thị trấn Phú Long

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp với yêu cầu mở rộng đường Hàm Nhơn-Phú Hài

5

 Chợ Ga Phú Hội

Thôn Phú Hội, xã Hàm Hiệp

3

 

 

-

x

Chợ tạm, không phù hợp quy hoạch chung

6

 Chợ Đại Lộc

Thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp

3

x

x

3

 

 

7

 Chợ Tôn

Thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp

3

 

 

-

x

Chợ do tư nhân cho thuê mặt bằng; diện tích quá nhỏ

8

 Chợ Hiệp Phú

Thôn Phú Điền, xã Hàm Hiệp

3

x

x

3

 

 

9

 Chợ Ninh Thuận

Thôn Ninh Thuận, xã Hàm Chính

3

x

x

3

 

 

10

 Chợ Cây Duối

Thôn 6, xã Hàm Chính

3

x

x

3

 

 

11

 Chợ Bình An

Thôn Bình An, xã Hàm Chính

3

x

 

3

 

 

12

 Chợ An Phú

Thôn An Phú, xã Hàm Chính

3

x

x

3

 

 

13

 Chợ Bình Lâm

Thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính

3

 

 

-

x

Chợ tạm, họp ven đường,vị trí không phù hợp quy hoạch chung

14

Chợ Cây số 2

Km số 2, xã Hàm Liêm

3

 

 

-

x

Chợ tạm, nhóm họp tự phát ven đường

15

Chợ Cây số 5

Km số 5, xã Hàm Liêm

3

 

 

-

x

Chợ tạm, họp ven đường,vị trí không phù hợp quy hoạch chung

16

Chợ Hàm Thắng 1

Thôn 1, xã Hàm Thắng

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp quy hoạch chung

17

Chợ Lại An

Thôn 5, xã Hàm Thắng

3

x

 

3

 

 

18

Chợ SaRa

Thôn 2, xã Hàm Đức

3

x

 

3

 

 

19

Chợ Thuận Hòa

Trung tâm xã Thuận Hòa

3

 

x

3

 

 

20

Chợ Km 21

 Km 21 QL 28, xã Hàm Trí

3

x

x

3

 

 

21

Chợ Phú Điền

Thôn Phú Điền, xã Hàm Phú

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp quy hoạch chung

22

Chợ Phú Lập

Thôn Phú Lập, xã Hàm Phú

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp quy hoạch chung

23

Chợ Hồng Liêm

Thôn 4, xã Hồng Liêm

-

-

-

-

-

Chợ không hoạt động, sát UBND xã, vị trí không phù hợp, chuyển mục đích sử dụng

24

Chợ Ngã ba Gộp

Ngã ba Gộp, xã Hồng Sơn

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp quy hoạch chung

25

Chợ Đa gu ri

Thôn Đaguri, xã Đa Mi

3

 

 

-

x

QH di dời xây dựng chợ Đami qua bên kia đường thành chợ trung tâm xã

 

Phụ lục 10:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Hàm Thuận Bắc đến năm 2010.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

 

Chợ Tầm Hưng

Cách chợ cũ 500 m, Khu phố 2, Ma Lâm.

3

Thay thế chợ Tầm Hưng cũ

2

Chợ Phú Long

Khu đất đối diện UBND thị trấn Phú Long cách chợ cũ 1km.

2

Thay thế chợ Phú Long cũ

3

Chợ Phú Xuân

Khu đất phía sau HTX NN 4 cũ, Khu phố Phú Xuân, thị trấn Phú Long

3

Thay thế chợ Phú Xuân cũ

4

Chợ Phú Hội

Gần sân bóng, cách chợ cũ 1km, cách UBND xã Hàm Hiệp 3km thuộc thôn Phú Hội, xã Hàm Hiệp.

3

Thay thế chợ Ga Phú Hội, chợ Tôn cũ

5

Chợ Cây số 5 mới

Km 5+500 QL 28, thôn 4, xã Hàm Liêm

3

Thay thế chợ Cây số 5, chợ Cây số 2 cũ

6

Chợ Hàm Liêm

Thôn Tân Bình, xã Hàm Liêm

3

Phát triển mới - Chợ trung tâm xã

7

Chợ Hàm Thắng

Khu quy hoạch trung tâm xã Hàm Thắng

3

Chợ trung tâm xã, thay thế chợ Hàm Thắng 1 cũ.

8

Chợ Phú Điền

Thôn Phú Điền, xã Hàm Phú

3

Chợ thôn, thay thế chợ Phú Điền cũ.

9

Chợ Hàm Phú

Cách UBND xã Hàm Phú 500m, thôn Phú Lập

3

Chợ trung tâm xã, thay thế chợ Phú Lập cũ

10

Chợ Hồng Liêm

Cách UBND xã 1 Km về phía Nam

3

Thay thế chợ Hồng Liêm cũ

11

Chợ Hồng Sơn

Trên đường đi Thuận Hoà cách Ngã ba Gộp 1 Km

3

Thay thế chợ Ngã Ba Gộp cũ

12

Chợ Thuận Minh

Ngã 3 Thuận Minh đi xã Hàm Phú

3

Phát triển mới

13

Chợ Đông Tiến

Khu trung tâm xã

3

Phát triển mới

14

Chợ Đông Giang

Khu trung tâm xã

3

Phát triển mới

15

Chợ La Dạ

Khu trung tâm xã

3

Phát triển mới

16

Chợ Đa Mi

Đối diện chợ Đaguri cũ

3

Thay thế chợ Đaguri cũ

 

Phụ lục 11:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Hàm Thuận Nam.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý thêm

Chợ không phù hợp QH cần giải tỏa

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ quy hoạch

1

Chợ Thuận Nam

Km 28 QL 1A, TT Thuận Nam

2

 

 

2

 

 

2

Chợ 30

Km 30 QL 1A, TT Thuận Nam

3

 

 

-

x

Sắp xếp vào chợ Thuận Nam

3

Chợ Lập Phước

Km 37 QL 1A, thôn Lập Phước, xã Tân Lập

3

 

 

-

x

Chợ tạm, họp ven đường QL IA, không bảo đảm an toàn giao thông.

4

Chợ Mương Mán

Thôn Đại Thành, Mương Mán

3

x

x

3

 

 

5

Chợ Ngã 2

Ngã 2, xã Hàm Mỹ

3

x

x

3

 

 

6

Chợ Văn Lâm

Thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ

3

 

 

-

x

Chợ tự phát, vị trí không phù hợp quy hoạch chung.

7

Chợ Hàm Thạnh

Thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh

3

x

x

3

 

 

8

Chợ Hàm Kiệm

Thôn Dân Hiệp, xã Hàm Kiệm

3

x

x

3

 

 

9

Chợ Km 15

Thôn Phú Cường, Hàm Cường

3

 

 

-

x

Sát QL IA, vị trí không phù hợp

10

Chợ Km 19

Thôn Phú Thọ, xã Hàm Cường

3

 

 

-

x

Sát QL IA, vị trí không phù hợp

11

Chợ Hàm Minh

Thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh

3

x

x

3

 

 

12

Chợ Thuận Quý

 Xã Thuận Quý

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp quy hoạch chung

13

Chợ Tân Thuận

Thôn Hiệp Phước, Tân Thuận

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp quy hoạch chung

14

Chợ Tân Thành

Xã Tân Thành

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp quy hoạch chung

 

Phụ lục 12:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Hàm Thuận Nam đến năm 2010.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

1

 Chợ Lập Hoà

Trên tuyến ĐT 712

3

Phát triển mới

2

 Chợ Tân Thuận

Ngã 3 Tân Thuận

3

Thay thế chợ tạm Tân Thuận cũ

3

 Chợ Tân Thành

Trung tâm xã

3

Thay thế chợ tạm Tân Thành cũ

4

 Chợ Hàm Cường

Km 18, đường vào Núi đất

3

Thay thế 2 chợ Km 15 và Km 19.

5

 Chợ Tân Lập

Km 32, Khu quy hoạch xã

3

Thay thế chợ Lập Phước cũ.

6

 Chợ Thuận Quý

Khu quy hoạch, trung tâm xã

3

Thay thế chợ tạm Thuận Quý cũ

7

 Chợ Hàm Cần

Trung tâm xã

3

Phát triển mới

8

 Chợ Mỹ Thạnh

Trung tâm xã

3

Phát triển mới

9

Chợ đầu mối nông sản Hàm Thuận Nam

Xã Hàm Kiệm

Chợ đầu mối nông sản

Phát triển mới

 

Phụ lục 13:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Hàm Tân.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý

Chợ không phù hợp QH cần giải toả

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ quy hoạch

1

Chợ Lagi

Khu phố 2, Thị trấn Lagi

2

x

 

2

 

Sắp xếp 2 chợ Đại Đồng và chợ Vinh Thanh vào chợ Lagi.

2

Chợ Đại Đồng

Khu phố 5, TTr Lagi

3

 

 

-

x

Chợ tạm nhóm họp tự phát ven đường

3

Chợ Vinh Thanh

Khu phố 8, Thị trấn Lagi

3

 

 

-

x

Chợ tạm nhóm họp tự phát ven đường

4

Chợ Tân An

Xã Tân An

3

x

 

3

 

 

5

Chợ Tân Nghĩa

Thôn 1, xã Tân Nghĩa

2

x

x

2

 

 

6

Chợ Ngã ba 46

Thôn Nghĩa Hiệp, Tân Nghĩa

3

x

x

2

 

Mở rộng chợ và lùi vào bên trong. QH thành chợ huyện tương lai.

7

Chợ Hiệp Hoà

Thôn Hiệp Hoà, xã Tân Hải

3

x

 

3

 

 

8

Chợ Hiệp Tiến

Thôn Hiệp Tiến, xã Tân Hải

3

x

 

3

 

 

9

Chợ Tân Minh

Thôn 1, ngã 3 Tân Minh đi Tánh Linh, Thị trấn Tân Minh

2

x

x

2

 

 

10

Chợ Tân Hà

Thôn Đông Hoà, xã Tân Hà

3

x

x

3

 

 

11

Chợ Tân Xuân

Thôn Láng Gòn, xã Tân Xuân

3

 

 

 -

x

Vị trí không phù hợp, sát đường QL 55.

12

Chợ Tân Thiện

Thôn 6, xã Tân Thiện

3

x

x

3

 

 

13

Chợ ngã 4 Tân Thiện

Ngã 4, Thôn 3, xã Tân Thiện

3

x

 

3

 

 

14

Chợ Tân Thắng

Xã Tân Thắng.

3

x

x

3

 

 

15

Chợ Thắng Hải

Thôn Thắng Hải, Tân Thắng.

3

x

 

3

 

 

16

Chợ Sơn Mỹ

Thôn 2, Sơn Mỹ

3

 

 

-

x

Vị trí không phù hợp, quy hoạch chợ mới

17

Chợ Sông Phan

Thôn Sông Phan, xã Sông Phan

3

 

 

-

x

Chợ tạm nhóm họp ven đường, quy hoạch chợ mới

18

Chợ Ngã ba Bà Giêng

Thôn 3, xã Tân Đức

3

 

 

-

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp, quy hoạch chợ mới

19

Chợ Căn cứ 7

Thôn 2, xã Tân Phúc

3

 

 

 -

x

Chợ tạm, vị trí không phù hợp, quy hoạch chợ mới

 

Phụ lục 14:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Hàm Tân đến năm 2010.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

1

Chợ Tân Xuân

Khu đối diện UBND xã, Thôn Láng Gòn, xã Tân Xuân

3

Thay thế chợ Tân Xuân cũ

2

Chợ Sơn Mỹ

Khu vực Đồn BP 370 cũ, xã Sơn Mỹ

3

THay thế chợ Sơn Mỹ cũ

3

Chợ Sông Phan

Cách QL IA 4,7 Km, trên tuyến đường từ QL IA đi xã Sông Phan

3

Thay thế chợ Sông Phan cũ

4

Chợ Tân Phúc

Khu Quy hoạch trung tâm xã, cách QLIA 300m, xã Tân Phúc

3

Thay thế chợ Tân Phúc cũ

5

Chợ Tân Đức

Khu sân bóng, thôn Bà Giêng, cách QLIA 100m, xã Tân Đức

3

Thay thế chợ Tân Đức cũ

6

Trung tâm thương mại La gi

Khu Quy hoạch đô thị Lagi

Trung tâm thương mại

Phát triển mới

7

Chợ chuyên doanh Hải sản Lagi

Cảng Lag gi

Chợ chuyên doanh

Phát triển mới

 

Phụ lục 15:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Đức Linh.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý

Chợ không phù hợp Qui hoạch cần giải toả

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ quy hoạch

1

Chợ Võ Xu

Thôn 5, thị trấn Võ Xu

3

x

x

2

 

 

2

Chợ Đức Tài

Thôn 9, thị trấn Đức Tài

2

x

x

2

 

 

3

Chợ Mê Pu 1

Thôn 3, xã Mê Pu

3

x

 

3

 

 

4

Chợ Mê Pu 2

Thôn 5, xã Mê Pu

3

x

 

3

 

 

5

Chợ Vũ Hòa

Thôn 5, xã Vũ Hoà

3

x

 

3

 

Diện tích nhỏ, quy hoạch thành chợ thôn

6

Chợ Trà Tân 1

Thôn 1A, xã Trà Tân

3

x

 

3

 

 

7

Chợ Trà Tân 2

Thôn 2B, xã Trà Tân

3

x

x

3

 

Quy hoạch đổi tên chợ xã Đông Hà

8

Chợ Sùng Nhơn

Thôn 2, xã Sùng Nhớn

3

 

 

 

x

Vị trí không phù hợp, quy hoạch chợ mới

9

Chợ Nam Chính

Thôn 3, xã Nam Chính

3

x

x

3

 

 

10

Chợ Đức Chính

Thôn 4, xã Đức Chính

3

x

x

3

 

 

11

Chợ ĐaKai

Thôn 5, xã Đa Kai

3

x

x

3

 

 

12

Chợ Tư Tề

Thôn 10, xã Đức Tín

3

x

 

3

 

Quy hoạch đổi tên chợ xã Đức Tín

 

Phụ lục 16:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Đức Linh đến năm 2010.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

1

Chợ xã Vũ Hoà

 Thôn 2, xã Vũ Hoà

3

Phát triển mới

2

Chợ xã Sùng Nhơn

Khu quy hoạch xã Sùng Nhơn

3

Thay thế chợ Sùng Nhơn cũ

3

Chợ xã Đức Hạnh

 Trung tâm xã Đức Hạnh

3

Phát triển mới

4

Chợ xã Tân Hà

 Trung tâm xã Tân Hà

3

Phát triển mới

 

Phụ lục 17:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Tánh Linh.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý

Chợ không phù hợp Qui hoạch cần giải toả

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ quy hoạch

1

Chợ Lạc Tánh

Thị trấn Lạc Tánh

2

x

 

2

 

 

2

Chợ Tà Pao

Xã Đồng Kho

3

x

x

3

 

 

3

Chợ Đức Bình

Thôn 1, xã Đức Bình

3

 

 

3

 

 

4

Chợ Sông Dinh

Thôn 3, xã Suối Khiết

3

x

x

3

 

 

5

Chợ Măng Tố

Xã Măng Tố

3

 

 

3

 

 

6

Chợ Huy Khiêm

Thôn 5, xã Huy Khiêm

3

 

 

-

x

Vị trí không phù hợp, quy hoạch chợ mới

7

Chợ Nghị Đức

Thôn 1, xã Nghị Đức

3

x

 

3

 

 

8

Chợ Gia An

Thôn 3, xã Gia An

3

x

 

3

 

 

 

Phụ lục 18:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Tánh Linh đến năm 2010.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

1

Chợ Lạc Hưng

Thôn Lạc Hưng, Thị trấn Lạc Tánh

3

Phát triển mới

2

Chợ Đức Tân

Trung tâm xã Đức Tân

3

Phát triển mới

3

Chợ La Ngâu

Trung tâm xã La Ngâu

3

Phát triển mới

4

Chợ Đức Phú

Trung tâm xã Đức Phú

3

Phát triển mới

5

Chợ Đức Thuận

Trung tâm xã Đức Thuận

3

Phát triển mới

6

Chợ Gia Huynh

Trung tâm xã Gia Huynh

3

Phát triển mới

7

Chợ Bắc Ruộng

Gần Cầu Cháy, thôn 1, xã Bắc Ruộng

3

Phát triển mới

8

Chợ Huy Khiêm

Thôn 5, gần UBND xã Huy Khiêm

3

Thay thế chợ Huy Khiêm cũ

9

Chợ Thôn 7

Thôn 7, xã Gia An

3

Phát triển mới

 

Phụ lục 19:

Hiện trạng và định hướng quy hoạch các chợ hiện có tại huyện Phú Quý.

STT

Tên chợ

Địa chỉ

Chợ phù hợp Qui hoạch cần xử lý

Chợ không phù hợp Qui hoạch cần giải toả

Ghi chú

Cấp chợ hiện trạng

Nâng cấp, cải tạo trên nền chợ cũ

Mở rộng mặt bằng

Cấp chợ quy hoạch

1

Chợ huyện Phú Quý

Thôn 3, Ngũ Phụng

3

x

 

3

 

 

2

 Chợ Ngũ Phụng

Thôn 1, Ngũ Phụng

3

x

x

3

 

 

3

 Chợ Long Hải

Thôn 9, xã Long Hải

3

 

 

-

x

Chợ tạm, họp ngoài trời

4

 Chợ Tam Thanh

Thôn 6, Tam Thanh

3

 

 

-

x

Xa khu dân cư, vị trí chợ không phù họp

 

Phụ lục 20:

Định hướng phát triển mới chợ tại huyện Phú Quý đến năm 2010.

S TT

Tên chợ

Địa chỉ

Cấp chợ QH

Ghi chú

1

Chợ Long Hải

Khu quy hoạch xã Long Hải

3

Thay thế chợ Long hải cũ

2

Chợ Tam Thanh

Khu quy hoạch xã Tam Thanh

3

Thay thế chợ Tam Thanh cũ

3

Chợ đầu mối hải sản

Trong Cảng Phú Quý

Chợ đầu mối hải sản

Phát triển mới

 

Phụ lục 21:

Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ tỉnh Bình Thuận đến năm 2010.

Địa bàn

ĐVT

Diện tích chợ hiện trạng

Diện tích đất chợ phù hợp qh

Diện tích đất quy hoạch để mở rộng chợ

Diện tích đất không phù hợp chuyển mục đích sử dụng

Diện tích đất qui hoạch để xây dựng chợ mới

Diện tích đất đến năm 2010

 

 

 Phan Thiết

26.710

19.221

3.300

7.489

107.500

130.021

 

 Tuy Phong

"

35.443

29.266

2.600

6.177

58.000

89.866

 

 Bắc Bình

"

13.268

10.944

2.000

2.324

60.000

72.944

 

 Hàm Thuận Bắc

"

20.804

15.476

18.424

5.328

70.600

104.500

 

 Hàm Thuận Nam

"

25.494

17.394

6.500

8.100

151.000

174.894

 

 Hàm Tân

"

37.519

31.619

21.500

5.900

41.000

94.119

 

 Đức Linh

"

52.238

50.155

11.500

2.083

12.000

73.655

 

 Tánh Linh

"

29.249

28.049

4.000

1.200

33.000

65.049

 

 Phú Quý

"

13.603

12.970

1.000

633

21.000

34.970

 

Toàn Tỉnh

m2

254.328

215.094

70.824

39.234

554.100

840.018

 

 

Phụ lục 22:

Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư phát triển chợ tỉnh Bình Thuận đến năm 2010.

 (Đơn vị tính : triệu đồng)

ĐỊA BÀN

Tổng số chợ Quy hoạch

Giai đọan 2005-2007

Giai đọan 2008-2010

Suốt thời kỳ Quy hoạch

Số chợ

Vốn đầu tư

Số chợ

Vốn đầu tư

Số chợ

Vốn đầu tư

1. TP. Phan Thiết:

23

 

89.725

 

20.750

 

110.475

- Cải tạo, nâng cấp:

 

3

2.520

3

3.850

6

6.370

- Giải toả

 

12

605

 

 

12

605

- Xây mới:

 

10

86.600

7

16.900

17

103.500

2. Huyện Tuy Phong:

16

 

12.410

 

31.000

 

43.410

- Cải tạo, nâng cấp:

 

 

 

4

9.350

4

9.350

- Giải toả

 

7

360

 

 

7

360

- Xây mới:

 

7

12.050

5

21.650

12

33.700

3. Huyện Bắc Bình:

21

 

17.400

 

8.550

 

25.950

- Cải tạo, nâng cấp:

 

3

550

4

3.450

7

4.000

- Giải toả

 

3

400

 

 

3

400

- Xây mới:

 

4

16.450

10

5.100

14

21.550

4. Huyện Hàm .T. Bắc:

27

 

21.140

 

12.050

 

33.190

- Cải tạo, nâng cấp:

 

9

4.200

1

8.000

10

12.200

- Giải toả

 

14

440

 

 

14

440

- Xây mới:

 

8

16.500

8

4.050

16

20.550

5. Huyện Hàm.T.Nam:

15

 

8.360

 

36.250

 

44.610

- Cải tạo, nâng cấp:

 

2

2.100

3

2.550

5

4.650

- Giải toả

 

8

360

 

 

8

360

- Xây mới:

 

5

5.900

4

33.700

9

39.600

6. Huyện Hàm Tân:

19

 

11.570

 

21.700

 

33.270

- Cải tạo, nâng cấp:

 

4

1.850

8

11.000

12

12.850

- Giải toả

 

7

120

 

 

7

120

- Xây mới:

 

5

9.600

2

10.700

7

20.300

7. Huyện Đức Linh:

15

 

6.040

 

7.650

 

13.690

- Cải tạo, nâng cấp:

 

4

5.200

7

5.450

11

10.650

- Giải toả

 

1

40

 

 

1

40

- Xây mới:

 

1

800

3

2.200

4

3.000

8. Huyện Tánh Linh:

16

 

5.390

 

4.650

 

10.040

- Cải tạo, nâng cấp:

 

3

2.700

2

1.400

5

4.100

- Giải toả

 

1

140

 

 

1

140

- Xây mới:

 

4

2.550

5

3.250

9

5.800

9. Huyện Phú Quý:

5

 

1.370

 

6.400

 

7.770

- Cải tạo, nâng cấp:

 

1

300

1

400

2

700

- Giải toả

 

2

70

 

 

2

70

- Xây mới:

 

2

1.000

1

6.000

3

7.000

Toàn Tỉnh

157

 

173.405

 

149.000

 

322.405

- Cải tạo, nâng cấp:

 

29

19.420

33

45.450

62

64.870

- Giải toả

 

55

2.535

0

0

55

2.535

- Xây mới:

 

46

151.450

45

103.550

91

255.000

 

Phụ lục 23:

Nguồn vốn Trung ương và địa phương đầu tư phát triển chợ tỉnh Bình Thuận đến năm 2010.

SỐ TT

TÊN CHỢ

DT XÂY DỰNG

(m2)

VỐN ĐẦU TƯ (triệu đồng)

ĐỊA BÀN

Ghi chú

Cải tạo, nâng cấp

Xây dựng mới

KV I, II MN

KV III MN

Vùng DTTS

CT 135

 

Thành phố Phan Thiết

12.000

1.000

40.000

 

 

 

 

 

1

Chợ Trung tâm

2.000

1.000

 

 

 

 

 

 

2

Chợ Bắc Phan Thiết

6.000

 

34.000

 

 

 

 

 

3

Chợ Đầu mối HS

4.000

 

6.000

 

 

 

 

 

 

Huyện Tuy Phong

6.100

4.000

6.500

 

 

 

 

 

1

Chợ Liên Hương

2.000

4.000

 

 

 

 

 

 

2

Chợ Phú Lạc

300

 

450

x

 

x

 

 

3

Chợ Phan Dũng

300

 

450

 

x

x

x

 

4

Chợ xã Phong Phú

500

 

600

x

 

x

x

 

5

Chợ chuyên doanh Hải sản PRC

3.000

 

5.000

 

 

 

 

 

 

Huyện Bắc Bình

11.100

0

18.100

 

 

 

 

 

1

Chợ huyện Bắc Bình

7.500

 

13.000

 

 

 

 

 

2

Chợ Mai Lãnh

300

 

450

x

 

x

 

 

3

Chợ Phan Thanh

300

 

450

x

 

x

 

 

4

Chợ Phan Tiến

300

 

450

x

 

x

x

 

5

Chợ Hòa Thắng

500

 

600

x

 

 

x

 

6

Chợ Hồng Phong

500

 

600

x

 

 

x

 

7

Chợ Phan Hòa

300

 

450

x

 

x

 

 

8

Chợ Bình An

500

 

600

x

 

 

x

 

9

Chợ Phan Điền

300

 

600

 

x

x

x

 

10

Chợ Phan Lâm

300

 

450

 

x

x

x

 

11

Chợ Phan Sơn

300

 

450

 

x

x

x

 

 

Huyện Hàm Thuận Bắc

1.800

0

2.600

 

 

 

 

 

1

Chợ Hồng Liêm

600

 

800

x

 

 

x

 

2

Chợ Đông Tiến

300

 

450

 

x

x

x

 

3

Chợ Đông Giang

300

 

450

 

x

x

x

 

4

Chợ La Dạ

300

 

450

 

x

x

x

 

5

Chợ Đa Mi

300

 

450

 

x

 

 

 

 

Huyện Hàm Thuận Nam

42.100

600

34.400

 

 

 

 

 

1

Chợ Thuận Quý

1.000

 

1.500

x

 

 

x

 

2

Chợ Hàm Thạnh

500

600

 

 

 

 

x

 

3

Chợ Hàm Cần

300

 

450

 

x

x

x

 

4

Chợ Mỹ Thạnh

300

 

450

 

x

x

x

 

5

Chợ Đầu mối NS HTNam

40.000

 

32.000

 

 

 

 

 

 

Huyện Hàm Tân

7.600

5.700

6.000

 

 

 

 

 

1

Chợ Ngã tư Tân Thiện

1.000

2.000

 

 

 

 

 

 

2

Chợ Tân Nghĩa

1.000

1.500

 

 

 

 

x

 

3

Chợ Tân Thắng

600

1.000

 

 

 

 

x

 

4

Chợ Tân Hà

1.000

1.200

 

 

 

 

x

 

5

Chợ Đầu mối HS Lagi

4.000

 

6.000

 

 

 

 

 

 

Huyện Đức Linh

3.700

3.950

800

 

 

 

 

 

1

Chợ Đức Tài

2.000

3.000

 

 

 

 

 

 

2

Chợ Trà Tân 1

500

300

 

 

 

 

x

 

3

Chợ Trà Tân 2

600

650

 

 

 

 

x

 

4

Chợ Sùng Nhơn

600

 

800

x

 

 

x

 

 

Huyện Tánh Linh

2.200

400

2.450

 

 

 

 

 

1

Chợ La Ngâu

300

 

450

 

x

x

x

 

2

Chợ Sông Dinh

500

400

 

 

 

 

x

 

3

Chợ Đức Thuận

400

 

600

 

x

 

 

 

4

Chợ Gia Huynh

600

 

800

x

 

 

x

 

5

Chợ Bắc Ruộng

400

 

600

 

x

 

 

 

 

Huyện đảo Phú Quý

5.080

700

7.000

 

 

 

 

 

1

Chợ huyện Phú Quý

280

400

 

 

 

 

 

 

2

Chợ Long Hải

300

 

500

 

 

 

 

 

3

Chợ Tam Thanh

300

 

500

 

 

 

 

 

4

Chợ thôn 3 Ngũ Phụng

200

300

 

 

 

 

 

 

3

Chợ Đầu mối Hải sản

4.000

 

6.000

 

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG:

91.680

16.350

117.850

 

 

 

 

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 77/2005/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu77/2005/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/11/2005
Ngày hiệu lực02/12/2005
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thương mại
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 14/01/2013
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 77/2005/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 77/2005/QĐ-UBND Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ Bình Thuận đến 2010


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 77/2005/QĐ-UBND Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ Bình Thuận đến 2010
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu77/2005/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bình Thuận
                Người kýHuỳnh Tấn Thành
                Ngày ban hành22/11/2005
                Ngày hiệu lực02/12/2005
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thương mại
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 14/01/2013
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 77/2005/QĐ-UBND Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ Bình Thuận đến 2010

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 77/2005/QĐ-UBND Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ Bình Thuận đến 2010