Chỉ thị 58/2000/CT-CT.UBBT phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo 224/1999/QĐ-TTg Bình Thuận đã được thay thế bởi Quyết định 2783/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ văn bản pháp luật Bình Thuận và được áp dụng kể từ ngày 07/11/2013.
Nội dung toàn văn Chỉ thị 58/2000/CT-CT.UBBT phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo 224/1999/QĐ-TTg Bình Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 58 /2000/CT-CT.UBBT | Phan thiết, ngày 26 tháng 10 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 224/1999/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.
Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện chương trình 327, 773 của Chính phủ đối với mục tiêu đầu tư hỗ trợ khai hoang, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển để phát triển nuôi trồng thủy sản thì tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến đáng kể; Diện tích, sản lượng tôm nuôi, số lượng, quy mô sản xuất của các Trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tăng khá; Mô hình nuôi tôm sú thịt có nơi đạt trên 4 tấn/ha/vụ là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nâng lên thành những vùng nuôi tôm công nghiệp sản lượng lớn đáp ứng ngày càng cao cho nhu cầu chế biến xuất khẩu; Thu nhập và đời sống phần lớn bộ phận dân cư tham gia chương trình đã được cải thiện rõ rệt,....
Tuy nhiên, quy mô, tốc độ phát triển, mức đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng; Công tác quy hoạch không theo kịp yêu cầu phát triển ngành nuôi trồng; Cơ chế chính sách chưa đồng bộ; Khả năng tiếp cận, tuyên truyền, phổ biến áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi tôm sú chưa được quan tâm đầu tư đúng mức,...
Để tiếp tục phát huy lợi thế của tỉnh, thực hiện đúng chủ trương từ chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và lãnh đạo các Sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số công việc sau đây:
1/ Sở Thuỷ sản cùng Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận xây dựng chương trình phối hợp và tổ chức triển khai đầu tư vốn tín dụng phục vụ chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Thuỷ sản và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
2/ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận có trách nhiệm: Phổ biến rộng rãi quy chế, thủ tục, điều kiện, phương thức, mức cho vay vốn để tổ chức, cá nhân có nhu cầu biết tham gia vay vốn; Tổ chức thẩm định, nhanh chóng và giải quyết cho vay vốn kịp thời vụ cho những hộ gia đình, cá nhân có phương án sản xuất hiệu quả nằm trong vùng quy hoạch được duyệt; Cùng với khách hàng tính toán hợp lý thời hạn vay; kỳ trả nợ; thời hạn trả lãi. Đồng thời nghiên cứu mô hình và cho vay thí điểm để đầu tư hạ tầng khu nuôi; Cùng với Sở Thuỷ sản xác định nhu cầu vay vốn để tổng hợp lập kế hoạch cho vay.
3/ Sở Thuỷ sản có trách nhiệm:
- Tiếp tục khảo sát bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định. Xác định nhu cầu vốn vay hằng năm cho nuôi tôm thịt, sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn, chế biến xuất khẩu, đầu tư hạ tầng khu nuôi, đầu tư các trang thiết bị thiết yếu để kiểm tra dịch bệnh và môi trường nuôi trên cơ sở đó thông báo để Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch tín dụng vốn vay;
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, công khai quy hoạch vùng phát triển nuôi trồng thuỷ sản tỉnh thời kỳ đến năm 2010;
- Tiếp tục rà soát và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với chủ trương của Chính phủ, các Bộ, ngành và của tỉnh;
- Quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, hóa phẩm chuyên dùng trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh;
- Đẩy mạnh công tác khuyến ngư tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân, chủ trang trại thực hiện dự án vay vốn nuôi trồng thuỷ sản và cấp giấy chứng nhận cho các hộ đã được tập huấn. Đồng thời tăng cường công tác dịch vụ kỹ thuật, nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh cho hộ nuôi tôm có vay vốn ngân hàng, theo hướng đó nghiên cứu đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét đầu tư các trang thiết bị cần thiết phục vụ mục tiêu trên trong kế hoạch năm 2001;
- Chỉ đạo, hướng dẫn nuôi trồng thủy sản theo quy trình công nghệ theo hướng bán thâm canh và thâm canh nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả nuôi, thường xuyên tổng kết các mô hình điểm về sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phổ biến nhân rộng để mọi người cùng áp dụng;
- Tổ chức khảo sát, xác định cụ thể đơn giá đầu tư trên đơn vị diện tích theo từng vùng và từng phương thức nuôi đối với từng đối tượng con nuôi, trước mắt tập trung đối với con tôm sú làm cơ sở để Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mức vốn tín dụng cho vay phù hợp.
- Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh, xử lý rủi ro, tổn thất gây ra đối với hộ vay vốn của Ngân hàng trong các trường hợp bất khả kháng.
4/ Sở Địa chính có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản để hộ vay vốn có điều kiện thế chấp vay vốn Ngân hàng theo quy định. Coi đây là công việc trọng tâm, phải tiến hành khẩn trương ngay từ khi nhận được chỉ thị này.
5/ Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác nhận tính hợp pháp, không có tranh chấp đối với diện tích đất ao hồ, đầm nuôi trồng thuỷ sản theo quy định tại Quyết định số 148/1999/QĐ-TTg ngày 07/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện thống nhất quy trình đối với hộ có nhu cầu vay vốn ngân hàng nuôi thuỷ sản theo quy định của Ngân hàng;
6/ Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ, xác nhận diện tích đất ao hồ, đầm đang sử dụng không có tranh chấp cho các hộ, chủ trang trại có nhu cầu vay vốn nuôi thuỷ sản.
7/ Sở Tài chính - Vật giá cùng phối hợp với Sở Địa chính và Cục Thuế tỉnh nghiên cứu xây dựng phương án xác định hạng đất đối với mặt nước nuôi thuỷ sản trên cơ sở ngoài các yếu tố xác định hạng đất theo quy định có tính toán đến lợi thế về chất lượng ao hồ, đầm thông qua năng suất nuôi ít nhất là 03 vụ, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định làm cơ sở để các hộ thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước.
8/ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thí điểm cho các hộ, chủ trang trại vay vốn nuôi thuỷ sản, trước mắt là nuôi tôm thịt, sản xuất tôm giống ngay trong quý IV/2000. Kết thúc vụ nuôi 2000 - 2001, liên ngành có báo cáo kết quả thực hiện để Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi và điều chỉnh ( nếu có ) cho phù hợp yêu cầu thực tế.
9/ Các cơ quan: Báo, Đài Phát thanh truyền hình cùng phối hợp với Sở Thuỷ sản, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách về khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, đồng thời giới thiệu các mô hình, các gương điển hình trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản để nhân dân biết, học tập và ứng dụng sản xuất phục vụ thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hóa ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh nhà trong những năm tới.
Nhận được chỉ thị này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Thuỷ sản, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Địa chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và lãnh đạo các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình cùng phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận : | KT/CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN |